Ấn Độ ‘soán ngôi’ đông dân nhất thế giới của Trung Quốc trong tuần tới

Ấn Độ ‘soán ngôi’ đông dân nhất thế giới của Trung Quốc trong tuần tới

Các tín đồ tụ tập để tham dự buổi cầu nguyện bên bờ sông Hằng, Haridwar, bang Uttarakhand, Ấn Độ, ngày 23/4. Ảnh: AFP

AFP dẫn thông báo của Ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc (UN DESA) cho biết: “Vào cuối tháng này, dân số Ấn Độ dự kiến sẽ đạt 1.425.775.850 người, tương đương và sau đó vượt qua dân số của Trung Quốc đại lục”.

Trong khi đó, “Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2023” của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) công bố vào ngày 19/4 ước tính rằng Ấn Độ thể vượt Trung Quốc gần 3 triệu dân vào giữa năm 2023.

Lý giải về sự khác biệt trong các thông tin công bố, ông John Wilmoth, Giám đốc UN DESA cho biết, báo cáo của UNDP được thực hiện dựa trên dữ liệu năm ngoái. Ông nhấn mạnh rằng dự báo được công bố ngày 24/4 dựa trên dữ liệu gần đây hơn, mặc dù vẫn mang tính dự báo.

“Thời điểm chính xác cho sự chuyển giao này không chắc chắn và khó xác định được”, ông nói.

Ấn Độ đang vượt qua Trung Quốc, khi quốc gia Nam Á này đang có tốc độ gia tăng dân số nhanh chóng, trong khi Bắc Kinh ghi nhận sự suy giảm dân số sau khi đạt 1,426 tỷ người vào năm 2022.

Một chuyến tàu quá tải ở thị trấn Loni, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 24/4. Ảnh: AFP

Dân số Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 1 tỷ người vào cuối thế kỷ này, theo dự đoán của Liên Hợp Quốc. Dữ liệu dân số Trung Quốc không bao gồm Đài Loan, Hong Kong hoặc Macau.

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc cho rằng “dân số Ấn Độ gần như chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những thập kỷ tới”. Quốc gia này được dự báo trung bình sẽ đạt 1,5 tỷ người vào giữa thế kỷ này, mặc dù các quan chức cho rằng con số này có thể sẽ thấp hơn hoặc cao hơn nhiều.

Tình trạng suy giảm dân số của Trung Quốc phản ánh sự tác động của chính sách một con mà Bắc Kinh duy trì trong nhiều thập kỷ (kết thúc vào năm 2016), chi phí sinh hoạt tăng và quan điểm về hôn nhân – gia đình của giới trẻ thay đổi.

Vào năm 2022, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm xuống một trong những mức thấp nhất thế giới, với 1,2 ca sinh/phụ nữ. Trong khi đó, Ấn Độ – quốc gia mất nhiều thời gian hơn Trung Quốc để kiểm soát sự gia tăng dân số, tỷ lệ sinh là 2 ca sinh/phụ nữ, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 2,1.

Ông John Wilmoth cho biết, Trung Quốc và Ấn Độ từng có mức sinh gần như nhau vào năm 1970, chỉ dưới 6 ca sinh/phụ nữ. “Ấn Độ phải mất 3,5 thập kỷ mới giảm được mức sinh tương tự như ở Trung Quốc – chỉ trong 7 năm sau mốc 1970”, ông nói.

Liên Hợp Quốc đánh giá, lý do chính cho sự khác biệt này là chính sách một con của Bắc Kinh và một số lý do khác là Ấn Độ thiếu đầu tư vào nguồn nhân lực, cũng như tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ chậm hơn trong những năm 1970 và 1980.

Tình trạng già hóa dân số và vấn đề việc làm

Hiện nay, cả hai quốc gia tỷ dân đều phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, trong đó Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng này nhiều hơn Ấn Độ.

Mặt khác, Ấn Độ phải hướng tới giải quyết nhiều thách thức to lớn khác như việc cung cấp điện, thực phẩm và nhà ở cho dân số ngày càng tăng, trong bối cảnh nhiều thành phố lớn của nước này đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nước, ô nhiễm không khí và nước, sự chật chội trong các các khu ổ chuột.

Việc vượt qua dân số Trung Quốc cũng cho thấy nhiều thách thức mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phải đối mặt về việc cung cấp việc làm cho hàng triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động hàng năm.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp nhiều thách thức trong việc bù đắp các vị trí trong công việc do dân số già.

Tuần trước, Bắc Kinh cho biết chiến lược quốc gia của nước này được thiết lập để “tích cực ứng phó với già hóa dân số, thúc đẩy chính sách sinh 3 con và các biện pháp hỗ trợ, đồng thời tích cực ứng phó với những thay đổi trong quá trình phát triển dân số”.

“Lợi tức dân số của Trung Quốc không biến mất. Lợi tức nhân tài đang hình thành và động lực phát triển vẫn mạnh mẽ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhận định.

Đỗ Thảo