Bộ Công thương đang nghiên cứu xây dựng lại biểu giá bán lẻ điện

Bộ Công thương đang nghiên cứu xây dựng lại biểu giá bán lẻ điện

Đây là lần đầu tiên Quốc hội đưa nội dung này ra thảo luận hội trường và theo đánh giá của các ĐBQH thì điều này cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới, công khai, tập trung vào các vấn đề Nhân dân, cử tri quan tâm.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) dẫn việc cử tri Quảng Ninh kiến nghị Bộ Công thương đánh giá, xem xét lại phương pháp tính giá điện sinh hoạt của người dân theo hướng quy định thống nhất 1 bậc, thay cho cách tính 6 bậc như hiện nay.

Nếu thống nhất một giá bán điện thì tốt hơn cho công tác quản lý, đồng thời bảo đảm lợi ích của người dân, phù hợp với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của bà con” – ĐB Lan nói.

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh)

ĐB Lan dẫn thông tin Bộ Công thương trả lời là đang nghiên cứu xây dựng lại biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng, đây là công việc được Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan xem xét thực hiện. Tuy nhiên đến nay, giá điện và cách tính giá điện bán lẻ không thay đổi.

“Tại kỳ họp này, cử tri tiếp tục kiến nghị Quốc hội vấn đề tăng giá điện. Cử tri cho rằng, việc tăng giá điện do nhiều nguyên nhân, trong đó việc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có lỗ lớn, tổn thất điện năng chưa phù hợp…Cử tri kiến nghị cần bảo đảm công khai, minh bạch hơn cách tính giá trị điện sinh hoạt…” – ĐB Lan nói.

Bên cạnh đó, ĐB cũng cho hay, cử tri đề nghị EVN cần báo cáo rõ việc tinh giản bộ máy, giải pháp cắt giảm chi phí, giảm giá thành điện sản xuất. Rà soát cung cầu điện có đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Việc phải nhập khẩu điện từ nước ngoài, trong khi điện gió, điện mặt trời đầu tư trong nước không hòa mạng quốc gia được…

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai)

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cho rằng, dù tỷ lệ trả lời kiến nghị cử tri của các bộ ngành đã được cải thiện, tuy nhiên có một số nội dung khó trả lời do liên quan nhiều bộ ngành. Nếu không quy định rõ trách nhiệm, phối hợp sẽ dẫn tình trạng đùn đẩy trong giải quyết kiến nghị của cử tri, hoặc cử tri kiến nghị mãi.

Về việc này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh: “Trả lời kiến nghị thì tốt, nhưng trả lời thế nào thì cần phải đánh giá kỹ hơn…, do đó cần có tiêu chí đánh giá việc trả lời kiến nghị cử tri. Làm sao trả lời giải quyết công việc chứ không phải trả lời để biết rồi để đó” – ông An nói.

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định)

Còn đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị để đảm bảo theo dõi, tổng hợp đầy đủ các kiến nghị và giám sát việc giải quyết các kiến nghị theo hệ thống, thì cần có danh mục những vấn đề cụ thể cử tri đã kiến nghị và liên thông các Đoàn ĐBQH.

“Qua đó, dù cử tri có tiếp tục kiến nghị trong từng kỳ tiếp xúc cử tri hay không thì Quốc hội vẫn theo dõi, giám sát được việc giải quyết kiến nghị đó đến cùng và các ĐBQH cũng dễ dàng tham khảo, nghiên cứu để trả lời rõ ràng, công khai cho cử tri được biết…” – ĐB Hạnh nói.

NHÓM PV