Đề nghị quy định cụ thể vấn đề về giá dịch vụ y tế trong dự thảo Luật

Đề nghị quy định cụ thể vấn đề về giá dịch vụ y tế trong dự thảo Luật

Đại biểu Nguyễn Anh Trí tham gia ý kiến thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 6/4, tiếp tục chương trình làm việc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi).

Quy định cụ thể về giá dịch vụ y tế để tránh thiệt thòi cho bệnh nhân

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết trong dự thảo Luật, những quy định về giá dịch vụ y tế hoặc rất mờ nhạt hoặc gần như không có.

Theo đại biểu, giá là vấn đề phức tạp nhất và dễ phát sinh tiêu cực nhất. Trên thực tế, trong công tác đấu thầu, giá là đích đến cuối cùng của mọi cuộc thương thảo, giá cũng là vấn đề mà kẻ xấu “soi mói” tìm kẽ hở để “kiếm chác”, trục lợi.

Trong khi đó, giá dịch vụ y tế lại quá phức tạp, quá nhiều vấn đề cần suy nghĩ bởi có nhiều loại hình, hạng mục, chủng loại với các mức giá khác nhau, như giá có tự chủ, giá không tự chủ, giá có xã hội hóa, giá không xã hội hóa. Giá dịch vụ y tế trong khám bệnh, chữa bệnh từ xa cũng khác với khám, chữa bệnh trực tiếp…

Do vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng nếu trong dự thảo Luật không quy định cụ thể, rõ ràng về giá dịch vụ y tế thì sẽ dẫn đến tình trạng “loạn” cách làm giá dịch vụ, mọi thiệt thòi sẽ trút hết vào bệnh nhân.

Các đại biểu Quốc hội chuyên trách dự phiên thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi) sáng 6/4. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu cũng nêu rõ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là một thành công lớn, giúp tháo gỡ rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, vấn đề còn lại chủ yếu vẫn là giá, cụ thể là giá dịch vụ y tế. “Rất nhiều lần trong quá trình soạn thảo bị vướng, khi cử tri hỏi thì chúng ta nói rằng vấn đề này sẽ được sửa đổi trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi)”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết.

Cũng theo đại biểu, giá là một thành tố rất quan trọng quyết định việc làm tự chủ bệnh viện công nhằm hạn chế việc tư nhân hóa bệnh viện công. Khi cho một bệnh viện làm tự chủ, đặc biệt là tự chủ toàn diện thì có 2 chỉ số cần hết sức quan tâm: thứ nhất là giá, thứ hai là bao nhiêu % số giường trong bệnh viện được phép chuyển sang giường dịch vụ.

“Giá 200 nghìn cho một giường phục vụ bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả khác hẳn với giá giường dịch vụ là 2 triệu đồng, thậm chí có nơi còn đề cập đến mức giá 3,2 triệu đồng, đây lại là câu chuyện khác hẳn”, đại biểu nói.

Từ các ý kiến nêu trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) cần có một số điều quy định cụ thể về giá dịch vụ y tế để làm cơ sở xây dựng các thông tư liên quan giá dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế sau này.

Rà soát, bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm

Cho ý kiến về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 7, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đề nghị cần bổ sung thêm quy định cấm các hành vi gian lận thương mại, nâng khống giá trị hàng hóa, xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, bổ sung thêm các hành vi gian dối gây cản trở chính sách bình ổn giá của Nhà nước vào Điều 7 của dự thảo Luật này…

Dự thảo Luật có quy định cấm việc lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa để tăng giá bán, giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với khi thời điểm trước điều chỉnh giá.

Đại biểu cho rằng, quy định về khái niệm “bất hợp lý” như hiện tại là rất chung chung, không phù hợp, cần phải quy định rõ mức độ như thế nào bởi yếu tố hình thành giá luôn luôn biến động.

Đại biểu Nguyễn Tạo tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Theo đại biểu, cần có quy định cụ thể hơn để tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi.

Có chung quan điểm, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) đề nghị thay thế cụm từ “bất hợp lý, không phù hợp” thành “giá biến động bất thường” để tương thích với Điều 14 về giải thích từ ngữ.

Tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng quy định về Quỹ bình ổn giá trong dự thảo Luật là cần thiết, tuy nhiên cần làm rõ cơ chế quản lý, vận hành quỹ này một cách công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.

Đại biểu dẫn chứng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua có nhiều bất cập. Đây là quỹ ngoài ngân sách nhưng lại được trích lập và sử dụng bởi doanh nghiệp theo quyết định của cơ quan nhà nước là Bộ Công thương. Quỹ này thực chất là sử dụng tiền của dân nhưng quản lý lại bởi doanh nghiệp trích lập, do đó khó bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng.

Đại biểu cho rằng vấn đề quản lý Nhà nước can thiệp bằng công cụ chính sách và bằng dự trữ nhà nước là điều cần phải được xem xét nghiêm túc.