Hội nghị MRC hướng đến quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong

Hội nghị MRC hướng đến quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong

PV: Thưa Tiến sỹ, ông có thể cho biết mục đích cũng như thông điệp của Hội nghị lần là gì?

Tiến sỹ Aloulak Kittikhoun: Hội nghị Thượng đỉnh MRC diễn ra 4 năm 1 lần, vì vậy nó rất quan trọng đối với các quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mekong quốc tế. Mục đích Hội nghị lần này là để các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia thành viên gặp gỡ thảo luận về các vấn đề liên quan đến an ninh nguồn nước sông Mekong và cơ chế phối hợp quản lý sông một cách bền vững. Chúng tôi hy vọng các nội dung đưa ra trao đổi, thảo luận trong hội nghị lần này sẽ được đẩy mạnh triển khai thực hiện một cách hiệu quả trong 4 năm tiếp theo trước khi đến Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 5 tại Thái Lan.

Tiến sỹ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC.

PV: Với chủ đề là Đổi mới và hợp tác vì an ninh và bền vững nguồn nước Mekong, vậy MRC có mong muốn gì từ việc đưa ra chủ đề này?

Tiến sỹ Aloulak Kittikhoun: Chúng tôi lựa chọn chủ đề “Đổi mới và Hợp tác vì an toàn và bền vững nguồn nước Mekong” lần này là vì, sông Mekong đang đứng trước nhiều thách thức như sự biến đổi khí hậu, cũng như sự can thiệp của con người. Trong 4 năm tiếp theo chúng ta cần tập trung đổi mới trong quản lý sông Mekong và không chỉ dựa vào các biện pháp truyền thống như trước đây mà còn cần phải thay đổi, nhất là phải thay đổi về mặt chính sách, công nghệ và đổi mới về phương thức quản lý. Tất cả những vấn đề này chúng tôi cần đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh với các quốc gia thành viên để tìm kiếm một giải pháp và đưa ra các quyết sách phù hợp cho những năm tiếp theo.

PV: Trong những năm qua, MRC đã có nhiều đóng góp trong vấn đề khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay đang đối mặt với những thách thức lớn. Vậy MRC có kế hoạch cụ thể gì để nâng cao vai trò cũng như giúp hoạt động hiệu quả hơn hay không?

Tiến sỹ Aloulak Kittikhoun: Để quản lý bền vững cho nguồn nước sông Mekong, Ủy hội sẽ không thể làm được một mình mà cần sự tham gia của các nước thành viên cũng như của các đối tác quốc tế để giúp cho Ủy hội hoạt động một cách hiệu quả và bền vững. Đặc biệt Ủy hội sẽ tập trung vào hai mảng như ngoại giao nước và kỹ thuật, đây là thế mạnh của Ủy hội. Về ngoại giao nước, Ủy hội sẽ tập trung vào các chiến lược, các quy chế và hướng dẫn. Về mặt kỹ thuật, Ủy hội sẽ tập trung vào thủy văn và các biến động khác của dòng sông. Bên cạnh đó, Ủy hội có một hệ thống công cụ để có thể theo dõi và đưa ra các chính sách và kiến nghị cho các quốc gia trong việc quản lý sông một cách bền vững.

PV:Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn./.

Trần Tuấn – Hồ Hải/VOV-Vientiane