Mở đường thắng lợi cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây

Mở đường thắng lợi cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây

Trong không khí hào hùng, phấn khởi của những ngày Tháng Tư lịch sử, kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) và 137 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5), hôm nay, người dân được đi trên con đường mới, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, con đường rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Thanh Hóa còn 2 giờ đồng hồ, từ TP.HCM đi Phan Thiết cũng sẽ rút ngắn còn khoảng 2 giờ đồng hồ.

Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) là đơn vị thi công nhiều đoạn trên tuyến Cao Bồ – Mai Sơn và Phan Thiết – Dầu Giây

Ngay từ sáng sớm, đoạn đường Phan Thiết – Dầu Giây rợp cờ hoa, người dân nơi vùng dự án đi qua tưng bừng phấn khởi dự lễ khánh thành.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết – Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 là những dự án thành phần có quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong hệ thống cao tốc Bắc Nam, kết nối các tỉnh miền Trung với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Nam Trung Bộ với TP.HCM.

Cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 dài 63,37 km, đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Trong đó tỉnh Ninh Bình dài 14,35 km, Thanh Hóa dài 49,02 km. Giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng quy mô 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 12.111 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỉ đồng.

Giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc mở rộng 6 làn xe, nền đường rộng 32,25 m, vận tốc thiết kế 120 km/h.

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây trước ngày khánh thành

Khi cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông tại phía Bắc được nối thông từ Chi Lăng (Lạng Sơn) đến Thanh Hóa gồm các dự án thành phần Bắc Giang – Lạng Sơn, Hà Nội – Bắc Giang, Pháp Vân – Cầu Giẽ (đoạn giữa Hà Nội – Bắc Giang và Pháp Vân – Cầu Giẽ có đoạn nối từ cầu Phù Đổng qua cầu Thanh Trì đến Pháp Vân, vành đai 3 Hà Nội), Cầu Giẽ – Ninh Bình, Cao Bồ – Mai Sơn, Mai Sơn – quốc lộ 45.

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây dài 99 km, đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Thuận dài 47,5 km, Đồng Nai dài 51,5 km. Đây là dự án duy nhất trong giai đoạn này được đầu tư cấp đặc biệt với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, mỗi bên 1 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế tối đa 120 km/h. Tổng mức đầu tư 12.577 tỉ đồng.

Điểm đầu dự án giao điểm cuối đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Điểm cuối đấu nối tại km43+125 cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai.

Trừ hai điểm đầu và cuối, cao tốc còn có 5 nút giao lên xuống trên tuyến chính gồm quốc lộ 55, tỉnh lộ 720 (huyện Hàm Tân, Bình Thuận), quốc lộ 1, tỉnh lộ 765 và quốc lộ 56 (Đồng Nai).

Khi cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đưa vào khai thác, xe cộ ở TP.HCM xuất phát tại cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ thông suốt đến TP Phan Thiết (Bình Thuận), rút ngắn thời gian dự kiến từ 4 giờ xuống còn 2 giờ.

Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây Được Bộ Giao thông Vân tải đã cho phép ô tô chạy tốc độ tối đa là 120 km/h.

Là dự án trọng điểm quốc gia quy mô của dự án và khối lượng công việc lớn, yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cao, tiến độ hết sức khẩn trương. Đây cũng là dự án cao tốc đầu tiên thi công trong vòng 24 tháng, trong khi nhiều đoạn phải xử lý nền đất yếu, xử lý kỹ thuật, thời gian chờ xử lý lâu; các dự án đồng loạt triển khai thi công nên nguồn cung nguyên vật liệu thiếu trầm trọng, vật liệu có thời điểm tăng đến 80%, dẫn đến có những gói thầu tăng giá so với ban đầu khoảng 18%, điều kiện thi công khó khăn càng khó khăn hơn; thời tiết bất thường, mưa nhiều và đến sớm, ước tính năm 2021, 2022 có gần 250 ngày mưa…

Tuy nhiên, xác định vị trí, vai trò, quy mô và tầm quan trọng của dự án nên ngay từ những ngày đầu các nhà thầu đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, nêu cao quyết tâm, nỗ lực cố gắng cao nhất. Bám sát kế hoạch tiến độ, chủ động lập biện pháp thi công chi tiết; tập trung hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, người lao động; đầu tư mới hàng trăm thiết bị; tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp; cử cán bộ có kinh nghiệm thường xuyên bám nắm công trường, trực tiếp chỉ huy, điều hành; tổ chức phát động nhiều đợt thi đua trên từng công trình, dự án nhằm bù lại khoảng thời gian do dịch bệnh, do mưa, bão không thi công được; từng bước cùng với chủ đầu tư, chính quyền, nhân dân địa phương và các lực lượng tham gia thi công dự án tháo gỡ khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Riêng với Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12 trực thuộc Bộ Quốc phòng) là đơn vị kế tục truyền thống Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn anh hùng. Với tinh thần “Mở đường thắng lợi” năm xưa cùng bản lĩnh, kinh nghiệm thi công của các cán bộ, kỹ sư, người lao động hôm nay kết hợp với trang thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, đã vượt qua mọi khó khăn và về đích đúng tiến độ.

Việc hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng các dự án đúng tiến độ đã giúp cho các nhà thầu có thêm nhiều kinh nghiệm, tự tin hơn trong triển khai thi công các gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 – 2025.

Để dự án về đích đúng tiến độ không chỉ là sự nỗ lực của các nhà thầu mà còn là sự quan tâm, giúp đỡ, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành Trung ương, sự ủng hộ của chính quyền và bà con nhân địa phương nơi dự án đi qua.

Vũ Khuyên(VOV)