Nga làm rõ điều kiện để quay trở lại hiệp ước hạt nhân với Mỹ

Nga làm rõ điều kiện để quay trở lại hiệp ước hạt nhân với Mỹ

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol của Nga tại Triển lãm quân sự quốc tế Army 2020 ở Patriot Park, ngoại ô Moskva, Nga, ngày 23/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời báo Izvestia, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ những điều kiện bao gồm việc Mỹ từ bỏ chính sách thù địch đối với Nga, sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tuân thủ các khía cạnh kỹ thuật của hiệp ước, cũng như là tham gia vào nỗ lực xác định phương tiện và định dạng phù hợp để theo dõi kho vũ khí của “liên minh hạt nhân” NATO, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp.

Tuy vậy, các chuyên gia nhận định việc hai cường quốc này nối lại đàm phán về hiệp ước New START (Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới) chưa thể xảy ra trong tương lai gần.

Điện Kremlin cũng bày tỏ sự hoài nghi về việc Mỹ sẵn sàng thay đổi chính sách đối với Nga. “Ý định duy trì Hiệp ước New START của Washington chỉ được hoan nghênh nếu nó đi kèm với thiện chí thực sự trong việc xem xét lại chính sách mang tính thù địch cao, nhằm làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng tôi, cuối cùng buộc chúng tôi phải đình chỉ hiệp ước”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Phía Moska sẽ sẵn sàng cân nhắc quay trở lại thực hiện đầy đủ New START khi Mỹ đáp ứng điều kiện thiết yếu kể trên. Đồng thời, Nga duy trì quan điểm rằng tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nên được trao quyền tham gia đàm phán.

Theo Izvestia, giới phân tích tỏ ra thiếu lạc quan về cơ hội đàm phán giữa Nga và Mỹ về khả năng nối lại New START. Theo ông Dmitry Danilov, người đứng đầu Ban An ninh châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chìa khóa quan trọng của các cuộc đàm phán đó chính là lòng tin, song điều đó đã bị phá hủy hoàn toàn trong mối quan hệ Nga – Mỹ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng việc ký thỏa thuận New START ít tác động đến tình hình quốc tế. Nhìn chung, ngay cả khi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược này được hoàn thiện vào năm 2010, nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng New START sẽ là thỏa thuận cuối cùng thuộc loại này và cần có một cơ chế kiểm soát mới.

Trước đó, ngày 30/3, phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày, ông Vedant Patel, Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga đã vi phạm hiệp ước New START. Ông nói: “Mỹ sẽ tiếp tục đánh giá các bước tiếp theo của Nga trong quá trình vi phạm hiệp ước và xem xét các biện pháp đối phó bổ sung”.

Ông Patel cũng nhấn mạnh New START có tầm quan trọng rất lớn đối với Mỹ, vì hiệp ước này giúp tăng cường an ninh không chỉ của Mỹ mà còn của Nga và toàn thế giới. Ông cho biết: “Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục làm mọi thứ có thể để đưa các bên trở lại tuân thủ hiệp ước”.

New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ.

Theo thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Mỹ và Nga này, hai bên có trách nhiệm trao đổi dữ liệu toàn diện, bao gồm số lượng và các đặc tính của hệ thống vũ khí 6 tháng/lần. New START có hiệu lực vào năm 2011, giới hạn Nga và Mỹ chỉ được sở hữu không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân được triển khai và yêu cầu một loạt bước xác nhận, bao gồm cả việc thanh sát hiện trường.

Ngày 21/2, Nga đã đình chỉ tham gia New START, nhưng tuyên bố không rút khỏi hiệp ước này. Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này vẫn sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế do hiệp ước này quy định về số lượng đầu đạn mà nước này có thể triển khai.

Đức Trí/Báo Tin tức