Người Nhật bất ngờ vì an ninh lỏng lẻo tại sự kiện có thủ tướng

Người Nhật bất ngờ vì an ninh lỏng lẻo tại sự kiện có thủ tướng

Truyền thông Nhật Bản cho biết nghi phạm lập tức bị bắt giữ tại hiện trường, nơi đang diễn ra buổi vận động cho cuộc đua vào Hạ viện tại thành phố Wakayama ngày 15/4. Ảnh: Kyodo.

Ngư dân Tsutomu Konishi đang theo dõi ông Fumio Kishida tại một sự kiện vận động tranh cử ở bến cảng cá, thì bất ngờ một vật thể bay qua đầu và rơi xuống gần thủ tướng.

Ông Konishi cho biết nhân viên an ninh đã che vật thể bằng cặp chống đạn, trong khi các ngư dân vây quanh người đàn ông này.

“Tôi chưa từng nghĩ một tội ác như vậy lại xảy ra ở quê hương tôi, một khu vực đánh cá nhỏ”, ông Konishi chia sẻ khi đang nhâm nhi lon cafe tại cảng Saikazaki. “Tôi vẫn còn sốc và choáng”.

Ông Kishida may mắn không bị thương, theo AP. Tuy nhiên, giống nhiều người Nhật khác, ông Konishi nghĩ Nhật Bản nên hành động như thế nào để bảo vệ các chính trị gia tốt hơn.

“Vào thời điểm thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản có mặt, có lẽ chúng tôi cần máy dò kim loại”, ông nói.

“Đáng ra phải kiểm tra an ninh”

Masaki Nishide – ngư dân 55 tuổi đến từ Saikazaki – cho biết hầu hết người có mặt tại sự kiện hôm 15/4 là cư dân và người ủng hộ ứng cử viên địa phương. Ông cho biết nghi phạm – được xác định là Ryuji Nakamura, 24 tuổi – đeo balo xám bạc nổi bật.

“Mọi người ở đây đều ăn mặc như tôi, và không ai mang ba lô ngoài cậu ấy”, ông Nishide nói, mặc bộ đồ thể thao và đi ủng cao su đỏ. “Nếu tôi chịu trách nhiệm an ninh hôm đó, tôi sẽ yêu cầu kiểm tra hành lý”.

Sau khi nghi phạm tấn công thủ tướng bất thành, một trong những ngư dân đã tóm anh từ phía sau, một người khác ấn đầu anh xuống và Konishi bám chân nghi phạm. Họ giữ người đàn ông này cho đến khi cảnh sát kéo anh xuống đất.

Vật thể hình trụ tại hiện trường vụ việc hôm 15/4. Ảnh: Kyodo.

Khung cảnh hỗn loạn gợi nhớ đến vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe cách đây 9 tháng. Cuộc điều tra sau đó phát hiện lỗ hổng an ninh trong khâu bảo vệ ông Abe, khi cố lãnh đạo bị giết bằng súng tự chế khi đang phát biểu vận động tranh cử.

Nghi phạm Tetsuya Yamagami bị buộc tội giết người cùng một số tội danh khác, bao gồm tội vi phạm luật kiểm soát súng.

Khó cân bằng giữa an ninh và bầu cử tự do

Nhật Bản ít khi chứng kiến tội phạm bạo lực với luật kiểm soát súng nghiêm ngặt. Hầu hết trường hợp tội phạm súng đạn liên quan đến băng đảng. Trong những năm gần đây, mối lo ngại về súng và chất nổ tự chế ngày càng tăng. Nước này cũng có một số vụ dùng dao đâm ở tàu điện ngầm và phóng hỏa.

Thủ tướng đương nhiệm sẽ có nhiều nhóm bảo vệ hơn so với các bộ trưởng nội các và cựu lãnh đạo. Ngoài ra, so với các chiến dịch tranh cử ở Mỹ, người ủng hộ tại các sự kiện chính trị Nhật Bản thường được phép tiếp cận khá gần các quan chức. Tại sự kiện hôm 15/4, người ủng hộ ở hàng đầu gần như có thể chạm vào ông Kishida.

Cảnh sát đã cử một đội chống chất nổ đặc biệt đến nhà nghi phạm ở quận Hyogo để tìm kiếm bằng chứng về việc chế tạo bom.

Trên toàn quốc, Nhật Bản tổ chức các cuộc bầu cử địa phương trong tháng này, trong khi một loạt cuộc họp của nhóm G7 diễn ra từ 19-21/5 tại Hiroshima. Hôm 16/4 cũng diễn ra cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao G7 ở Karuizawa.

Masaki Nishide – ngư dân tại cảng Satsugasaki – mô tả hiện trường vụ nổ hôm 15/4 ở Wakayma. Ảnh: AP.

Isao Itabashi – chuyên gia về an toàn công cộng – cho biết vụ tấn công mới nhất đặt ra câu hỏi về cách quản lý các chiến dịch vận động tranh cử và bầu cử. Ông cho rằng về mặt hậu cần, việc bảo vệ các chính trị gia cấp cao trong các sự kiện như vậy và cân bằng giữa an ninh chặt chẽ cùng bầu cử tự do là nhiệm vụ khó khăn.

Kiyotaka Hamada – 70 tuổi, thành viên cấp cao của hiệp hội đánh cá địa phương – cho biết ông cảm giác có thứ gì lướt qua vai ngay khi nghe thấy tiếng nổ. Cảnh sát đã tịch thu áo khoác để xem liệu ông có trúng mảnh thuốc nổ không.

“Tôi chỉ muốn hỏi nghi phạm tại sao cậu ta lại phải tới đây rồi gây rắc rối”, ông nói.

Ông Hamada và các ngư dân khác lo lắng nguồn thu nhập bị gián đoạn trong những ngày tới, khi cảnh sát đóng các cảng để điều tra.

“Làng chúng tôi nỗ lực rất nhiều để chào đón thủ tướng tới thăm lần đầu tiên. Thế mà bây giờ chúng tôi còn chẳng thể ra khơi”, ông Hamada nói.

Phương Linh