Người phụ nữ được bác sĩ ‘kéo dài’ 8cm đã thoát khỏi vẹo cột sống

Người phụ nữ được bác sĩ ‘kéo dài’ 8cm đã thoát khỏi vẹo cột sống

Ngày 24.4, BS.CK2 Hồ Nhựt Tâm – Trưởng đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, các bác sĩ ở đây vừa phẫu thuật “kéo dài” 8cm điều trị thành công cho nữ bệnh nhân mắc chứng vẹo-còng cột sống, biến dạng cột sống thắt lưng-ngực kèm bệnh lý rễ thần kinh thắt lưng do hẹp ống sống nặng.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật “kéo dài” 8cm, giúp bệnh nhân thoát khoải vẹo cột sống ngực-lưng kèm bệnh lý rễ thần kinh thắt lưng – Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Tâm, cách đây 20 năm, nữ bệnh nhân này bắt đầu có biểu hiện đau nhiều vùng thắt lưng, uống thuốc tây không bớt đau, chuyển sang uống thuốc bắc vài tháng thấy đỡ nhưng do thấy người bị phù nên ngưng điều trị.

Sau đó, bệnh nhân đi khám tại một bệnh viện chuyên khoa tại TP.HCM, và được chẩn đoán vẹo cột sống do thoái hóa nặng kèm thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, tuy nhiên bệnh viện không xử trí gì thêm.

Cách nhập viện 1 tháng, bệnh nhân đau nhiều vùng thắt lưng, lan xuống hai chân, tê bì hai chân, đi lại khó khăn, cúi ngửa đau tăng nhiều, đi khoảng cách 5-10m phải nghỉ một lát mới tiếp tục đi. Lúc này bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị.

Tại đây, bệnh nhân được ghi nhận vẹo cột sống thắt lưng sang phải, đi khoảng 10m phải nghỉ, khó cúi và ngửa người.

Các bác sĩ ở đây tiến hành chụp Xquang-EOS toàn thân và MRI cho thấy, bệnh nhân bị vẹo cột sống ngực-lưng (từ ngực 1 – ngực 11) 27 độ; vẹo cột sống thắt lưng ngực 12 tới thắt lưng 4 là 42 độ; thoái hóa cột sống ngực-lưng-thắt lưng; còng cột sống ngực-lưng, mất ưỡn cột sống thắt lưng; biến dạng phức hợp khung chậu-cột sống, mất thăng bằng nặng toàn bộ cột sống, đường trọng lực đổ ra trước.

Ngoài ra, bệnh nhân còn bị hẹp ống sống lưng-thắt lưng nhiều tầng: L2L3-L3L4-L4L5-L5S1. Chèn ép ống sống và rễ thần kinh tương ứng; thoái hóa đốt sống dạng thoái hóa mỡ (Modic Type II); biến dạng mất độ ưỡn sinh lý cột sống thắt lưng.

Bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa nặng cột sống thắt lưng gây biến dạng cột sống: vẹo cột sống ngực-thắt lưng, hẹp ống sống thắt lưng nhiều tầng L2L3, L3L4, L4L5, L5S1 gây chèn ép rễ thần kinh, mất thăng bằng cột sống.

Trước tình trạng trên, các bác sĩ quyết định phẫu thuật giải ép, ghép xương, cắt đĩa đệm hàn xương liên thân đốt cột sống thắt lưng bằng nêm PEEK lối sau L2L3 L3L4 L4L5 L5S1 kết hợp nắn chỉnh đường cong trước sau cột sống thắt lưng bằng ốc chân cung từ N10 đến S1.

Bác sĩ Tâm cho biết, việc phẫu thuật đối với bệnh nhân này gặp rất nhiều khó khăn nhất là cột sống cứng ngắc thành một khối rất khó nắn chỉnh vẹo, còng. Rễ thần kinh và ống sống bị chèn ép rất nặng dính vào đĩa đệm, mô xơ nhiều, đòi hỏi phẫu thuật viên cột sống nhiều kinh nghiệm về nắn chỉnh vẹo, giải ép ống sống, rễ thần kinh mà không làm tổn thương thần kinh như đứt rễ thần kinh, rách màng cứng gây liệt.

Hình ảnh bệnh nhân trước (trái) và sau phẫu thuật (phải)-Ảnh : BVCC

“Sau 7 giờ 30 phút, ê kíp phẫu thuật đã thực hiện thành công, “kéo dài” được 8cm cho bệnh nhân. Hiện bệnh nhân đã đi thẳng, người và phần đầu không còn đổ về trước khi đi hay đứng, hết đau tê hoàn toàn chân phải, chân trái còn tê rất ít, gần như bình thường, sức cơ hoàn toàn bình phục”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Theo bác sĩ Tâm, nguyên nhân của việc vẹo cột sốt là do các đĩa đệm bắt đầu thoái hóa, dẫn đến mất độ cao và mất vững từng đoạn, lực tác động tăng lên được đặt lên các mấu khớp. Các lực tác động không đối xứng trên đĩa đệm và các mặt khớp, tạo gai xương và dây chằng vàng dẫn đến lỗ liên hợp bị hẹp, hoặc ống sống bị đẩy lệch. Sau đó, sự xoay trục có thể xảy ra làm căng hoặc chùn các dây chằng xung quanh, gây ra sự mất vững và trượt sang bên của cột sống. Khi tuổi càng cao các cơ duỗi của cột sống bị giảm mật độ, và tăng lượng mỡ xâm nhập, thoái hóa biến dạng cột sống từ các đoạn cột sống thấp dần dần lên đốt sống trên cao trên khi tuổi càng lớn.

Hiện nay, tỷ lệ vẹo cột sống ở người trưởng thành chiếm tỉ lệ từ 2% đến 32%; bệnh lý thường bắt đầu ở độ tuổi khoảng 50. Nhiều báo cáo khác nhau cũng cho thấy, vẹo cột sống do thoái hóa chiếm tỷ lệ 68%, những người trên 60 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh tăng dần khi tuổi ngày càng lớn hơn.

“Bệnh nhân nên đến bệnh viện điều trị khi bệnh lý ảnh hưởng đến các sinh hoạt hằng ngày; gặp khó khăn khi vận động-cúi ngửa cột sống, đau thắt lưng nhiều khi ngồi trên 30 phút, đau lưng lan xuống chân, tê bì chân do ống sống và rễ thần kinh bị chèn ép hoặc góc vẹo quá lớn làm hẹp lỗ liên hợp nơi rễ thần kinh đi ra, người bệnh phát hiện bản thân bị bất đối xứng cơ thể-vẹo còng cột sống khi sinh hoạt”, bác sĩ Tâm khuyến cáo.

Hồ Quang