Pháo phản lực KN-25 độc đáo của Triều Tiên vượt trội mọi đối thủ phương Tây?

Pháo phản lực KN-25 độc đáo của Triều Tiên vượt trội mọi đối thủ phương Tây?

Bốn năm trước, các cuộc thử nghiệm đối với pháo phản lực tầm xa cỡ nòng lớn KN-25 – vũ khí sở hữu nhiều đặc điểm rất độc đáo, đã được tổ chức tại Triều Tiên.

Cơ quan thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết trong lần phóng đầu tiên, đạn tên lửa đã vượt qua khoảng cách 250 km. Một vài ngày sau, vụ phóng thử được lặp lại, và một lần nữa cho kết quả khả quan.

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt nói trên của Triều Tiên có hai khung gầm, nếu như ban đầu nó xuất hiện dưới dạng xe bánh xích, thì sau đó chiếc xe địa hình bốn trục dẫn động TATRA T815 đã được nhìn thấy mang theo các ống phóng.

Và nếu phiên bản khung gầm xe bánh xích mang được 6 ống phóng, thì đối với biến thể xe tải việt dã bánh lốp, cơ số đạn tên lửa mang theo bị hạ thấp xuống chỉ còn 4 quả.

Chuyên gia người Nga Yury Lyamin, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ đã lưu ý, hệ thống pháo phản lực phóng loạt KN-25 hiện không có đối thủ tương đương trên thế giới.

Đường kính của của quả đạn mà KN-25 phóng đi lên tới 600 mm, chiều dài 8,2 m, trọng lượng 3.000 kg. Như vậy đây thực sự là một quả tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn chứ không còn là đạn rocket dẫn đường.

“Trong một loạt vụ phóng được thực hiện vào khoảng thời gian năm 2019 – 2020, tên lửa có thể đạt được tầm bắn tối đa 380 km và độ cao bay 97 km. Điều thú vị là khoảng thời gian giữa các lần phóng chỉ là 20 – 30 giây”.

Giới phân tích cho rằng rằng ngoài các đầu đạn thông thường, đạn tên lửa trang bị cho tổ hợp KN-25 còn có thể sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật với đương lượng nổ vào khoảng 1 kT.

“Hiện tại, KN-25 đang được sản xuất hàng loạt và đi vào phục vụ trong các đơn vị pháo binh của Quân đội Triều Tiên. Vào cuối năm ngoái, có thông tin cho rằng 30 tổ hợp đã được bàn giao cho”, chuyên gia quân sự Yury Lyamin cho biết.

Theo nhà phân tích, rõ ràng KN-25 của Triều Tiên vượt xa mọi tổ hợp pháo phản lực dẫn đường khác của phương Tây và dĩ nhiên áp đảo hoàn toàn khi đặt cạnh Hệ thống tên lửa Pháo binh cơ động cao M142 HIMARS do Mỹ chế tạo.

Nhưng đây cũng là điều hiển nhiên vì KN-25 là loại đạn đường kính 600 mm, còn tên lửa GMLRS trang bị cho HIMARS chỉ là 227 mm mà thôi, dĩ nhiên tầm bắn và uy lực kém hơn nhiều.

Nếu so sánh thì KN-25 phải đặt cạnh tên lửa MGM-140 ATACMS hay PrSM đang được Mỹ phát triển, bởi vì chúng mới thực sự là các loại đạn “đồng cân đồng lạng” với nhau.

Đặt cạnh PrSM, quả đạn tên lửa thế hệ mới của Mỹ chỉ có đường kính 430 mm nhưng lại vượt qua được quãng đường 500 km với độ chính xác cực cao, nó cũng mang được đầu đạn hạt nhân chiến thuật công suất nhỏ.

Một yếu tố nữa cần nhắc đến đó là chưa rõ pháo phản lực dẫn đường KN-25 của Triều Tiên sẽ hoạt động ra sao trong môi trường tác chiến điện tử dày đặc, bị gây nhiễu mạnh, làm mất khả năng định vị qua vệ tinh.