Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Phần Lan

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Phần Lan

Phần Lan vượt qua rào cản cuối cùng

Toàn bộ 276 nhà lập pháp nhóm họp tối ngày 30.3 (giờ Việt Nam) đã bỏ phiếu ủng hộ đơn xin gia nhập của Phần Lan, vài ngày sau khi Quốc hội Hungary có động thái tương tự. Thổ Nhĩ Kỳ là nước cuối cùng trong số 30 thành viên của NATO phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi đầu tháng 3 cho biết Phần Lan đã nhận được sự ủng hộ của Ankara sau khi thực hiện các bước cụ thể để trấn áp các nhóm bị Ankara coi là “khủng bố” và mở cửa xuất khẩu quốc phòng.

Sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã cảm ơn 30 quốc gia thành viên NATO ủng hộ nỗ lực gia nhập liên minh của nước ông. “Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người vì sự tin tưởng và ủng hộ của họ. Phần Lan sẽ là một đồng minh mạnh mẽ và có năng lực, cam kết đảm bảo an ninh cho liên minh”, ông nói trong một tuyên bố đăng trên Twitter.

“Tôi hoan nghênh cuộc bỏ phiếu để hoàn thành việc phê chuẩn gia nhập của Phần Lan. Điều này sẽ làm cho cả gia đình NATO mạnh mẽ và an toàn hơn”, Tổng thư ký NATO, Thủ tướng Na Uy Stoltenberg viết trên Twitter.

Phần Lan và Thụy Điển cùng yêu cầu tham gia liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương vào ngày 24.2.2022. Động thái này đã chấm dứt nhiều thập kỷ không liên minh quân sự của hai nước.

Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.300 km (800 dặm) với Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto bắt tay tại lễ chào đón ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 17.3.2023. Nguồn: Reuters

Thụy Điển tiếp tục chờ đợi

Trong khi Phần Lan đã được chấp thuận thì nỗ lực gia nhập liên minh của Thụy Điển đã bị bỏ ngỏ. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đều từ chối chấp đơn gia nhập của nước này dù bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng NATO.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển quá khoan dung đối với các nhóm người Kurd mà họ coi là “khủng bố” cũng như những người có liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016. Ankara cũng bày tỏ sự tức giận trước hàng loạt cuộc biểu tình ở Thụy Điển, trong đó có cuộc biểu tình của các nhà hoạt động đốt kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phần mình, chính phủ Hungary cho rằng một số chính trị gia Thụy Điển đã đưa ra những tuyên bố chế nhạo về tình hình dân chủ của Hungary.

Hôm 30.3, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, không giống như Thụy Điển, Phần Lan đã hoàn thành nghĩa vụ của mình theo một Biên bản ghi nhớ được ký vào năm ngoái, trong đó hai nước cam kết giải quyết các mối quan ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nghị sĩ Akif Cagatay Kilic, thuộc đảng cầm quyền của ông Erdogan, nói với Quốc hội trước cuộc bỏ phiếu: “Là một thành viên NATO, đương nhiên chúng tôi có một số kỳ vọng và yêu cầu liên quan đến các mối quan ngại về an ninh của đất nước chúng tôi. Và Phần Lan đã đáp ứng những yêu cầu đó”.

Quỳnh Vũ (Theo Reuters)