Sở Y tế TP.HCM bác bỏ thông tin các điểm nóng Covid-19 trên địa bàn

Sở Y tế TP.HCM bác bỏ thông tin các điểm nóng Covid-19 trên địa bàn

Theo đó, thông tin trên trang mạng xã hội với nội dung: “Dịch bệnh đang nguy hiểm lắm, các cô, chú, anh, chị đi đến nơi đông người phải chú ý khẩu trang, khử khuẩn. Cập nhật điểm nóng tại TP.HCM, mọi người lưu ý nha”, kèm theo đó là 12 điểm dịch nóng nằm rải rác khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Trước nội dung này, trao đổi với Người Lao Động sáng 19/4, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết đây là thông tin không đúng. Sở Y tế đã có báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM và Công an TP.HCM về sự việc trên.

Tình hình dịch bệnh tại TP HCM trong 14 ngày qua được Sở Y tế TP HCM thông tin trong sáng 19/4. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM.

Không chỉ thông tin sai các điểm nóng, nội dung lan truyền còn ghi thêm: “Bệnh viện Nhiệt đới đã có 140 ca, biến chủng mới”. Trước thông tin này, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng cho biết đây cũng là thông tin sai sự thật. Người dân tránh nghe những thông tin thất thiệt như trên gây hoang mang, lo lắng.

Theo sự chỉ đạo của Sở Y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là bệnh viện tuyến cuối điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch. Bệnh viện đang điều trị 12 ca, chủ yếu là người lớn tuổi có bệnh nền, trong đó 8 ca viêm phổi cần hỗ trợ oxy, không có ca thở máy. So với những tháng trước, số ca mắc Covid-19 điều trị tại bệnh viện tăng nhẹ (vài ca).

Ngành y tế TP.HCM cũng khuyến cáo trước tình hình số ca mắc mới, ca nhập viện do Covid-19 tăng nhẹ trở lại, người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine.

Thông tin lan truyền sai sự thật. Ảnh: Người Lao Động.

Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, khi đến các nơi công cộng, các cơ sở khám chữa bệnh, trong không gian kín và các địa điểm bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên khử khuẩn nhất là vệ sinh tay và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ.

Ngoài ra, khi tham gia các hoạt động xã hội, lao động sản xuất, học tập… những người sống chung nhà có thể mang mầm bệnh về lây nhiễm cho người thân thuộc nhóm người có nguy cơ. Vì vậy, để bảo vệ người thân của mình (là người thuộc nhóm nguy cơ), ý thức phòng bệnh của người thân, người chăm sóc cùng sống chung trong nhà cũng rất quan trọng. Khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chẩn đoán điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

Liên Anh / Người Lao Động