Chủ động phòng ngừa nguy cơ dịch covid-19 bùng phát mạnh dịp lễ

Chủ động phòng ngừa nguy cơ dịch covid-19 bùng phát mạnh dịp lễ

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho rằng khi nhu cầu giao lưu lớn thì nguy cơ dịch lây lan nhanh đồng nghĩa với việc tăng ca nhiễm.

Theo chuyên gia, nếu không có các biện pháp phòng chống dịch covid-19 sẽ tăng cao thời gian tới.

Mục tiêu hiện nay mà ngành Y tế cần khẩn trương là kiểm soát không để dịch bùng phát mạnh, đặc biệt không được để gây quá tải hệ thống y tế.

Dịp 30/4-1/5 đi lại nhiều, nguy cơ bùng phát dịch lớn, vậy nên theo ông Phu, chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao.

“Nới lỏng nhưng không thả lỏng, nới lỏng nhưng vẫn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đặc biệt bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vắc-xin covid-19”, ông Phu nói.

Dịch có nguy cơ nhưng theo ông Phu chúng ta cũng không nên cực đoan. Nếu chúng ta đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu đánh giá nguy cơ cao quá dẫn tới đáp ứng thái quá lại cấm đoán, gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân hoặc đầu tư cho chống dịch quá tốn kém trong khi còn rất nhiều các dịch bệnh khác cũng đang phải phòng chống.

Để chống dịch hiệu quả theo ông Phu, trong thời gian tới, Việt Nam vẫn nên tiếp tục giám sát sự lưu hành của covid-19 để có đủ điều kiện cũng như là đủ năng lực để ứng phó khi có bất cứ sự thay đổi nào về mô hình dịch cũng như là chủng virus.

Dựa trên nguyên tắc nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, đặc biệt việc đánh giá nguy cơ phải đúng rồi mới đưa ra đáp ứng phù hợp không ảnh hưởng kinh tế.

Chúng ta đang duy trì cuộc sống bình thường trong tình hình mới, chuyển từ cấm đoán sang quản lý rủi ro. Chúng ta cần thực hiện nới lỏng chứ không buông trôi thả lỏng.

Thời điểm này, các khuyến cáo để người dân dự phòng cá nhân cũng cần được thực hiện tốt như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ, rửa tay khử khuẩn…

Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang.

Mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng nhất là đối tượng dễ bị tổn thương (người giá, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch…). Ai có triệu chứng thì phải xét nghiệm có phải Covid-19 hay không để thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị.

Cuối cùng là cần tuân thủ theo lịch tiêm vắc-xin của Bộ Y tế. Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý chúng ta cần thực hiện phòng bệnh tốt khi đi lại trong những ngày nghỉ 30/4 và 1/5 tới đây.

Nói về nguy cơ bùng phát dịch covid-19 trong bối cảnh dịp nghỉ lễ cận kề, theo một chuyên gia chống dịch covid-19 có kinh nghiệm, Việt Nam đã trải qua 2 đợt thử thách lớn để bùng phát dịch covid-19, đó là sự kiện SEA Games 31 được tổ chức tại 12 tỉnh, thành phố vào tháng 5/2022 và sau đó là Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc diễn ra vào tháng 12/2022 tại 11 tỉnh, thành phố.

Cả 2 sự kiện này đều ghi nhận số ca mắc chỉ rải rác, không tăng số ca nặng, không bùng phát ổ dịch.

Đặc biệt, sự kiện SEA Games 31 có lượng vận động viên, thành viên đoàn đến từ 11 quốc gia với số lượng lên tới cả nghìn người nhưng không ghi nhận ca tăng nặng nào.

Việt Nam không bùng phát dịch, đồng thời, sau 2 tuần trở về sau SEA Games 31, các quốc gia đến Việt Nam cũng không bị lây nhiễm, bùng phát dịch ở quốc gia họ.

Điều này cho thấy, người Việt có sự miễn dịch để đáp ứng với virus SARS-CoV-2 và những biến thể của virus ở Việt Nam cũng không gây nên những nguy cơ như ở các nước khác.

Chẳng hạn, biến thể Omicron, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mạnh mẽ, nhưng số ca mắc ở Việt Nam lại không nặng như các bệnh nhân khác trên thế giới.

Cũng theo chuyên gia này, không chỉ SARS-CoV-2 mà một số loại virus khác như H5N1 khi vào Việt Nam trải qua các vòng thì đã giảm sự tác động.

Chính vì thế với sự gia tăng số ca mắc mới hiện nay chưa cần thiết phải tiêm vắc xin mũi 4, chỉ những ai chưa tiêm đủ thì cần bổ sung.

Sự gia tăng này cũng theo quy luật hình sin, một thời gian xuống, sau đó lại lên. Bên cạnh đó, thời tiết 2 tuần trở lại đây mưa nhiều, thời tiết nóng ẩm, là điều kiện phát triển của nhiều loại virus, vi khuẩn.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải để chủ quan với dịch bệnh mà các nhà dịch tễ chuyên môn cần theo dõi sát sao và phân tích diễn biến để có những ứng phó kịp thời.

Đồng thời, người dân không nên hoang mang trước những tin đồn mà cần nghe khuyến cáo của cơ quan chức năng, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ bản thân.

Ngoài ra, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan. Chỉ đạo tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

D.Ngân