Cô gái chuyên phát hiện đồ thật, giả

Cô gái chuyên phát hiện đồ thật, giả

Ngoài kiến thức chuyên môn, các nhà giám định được yêu cầu hiểu biết về thời trang và các lĩnh vực liên quan.

Thị trường đồ cũ toàn cầu dự kiến sẽ đạt 350 tỷ USD vào năm 2027. Theo báo cáo của nền tảng trực tuyến Thredup trong năm 2023, Gen Z và Millennials sẽ chiếm gần 2/3 nhóm này.

Chỉ tính riêng năm 2022, cứ 5 món đồ trong tủ quần áo của Gen Z thì có 2 món là đồ đã qua sử dụng được yêu thích, CNA đưa tin.

Khi nói đến hàng hóa xa xỉ đã qua sử dụng, công ty nghiên cứu Research And Market dự đoán doanh thu sẽ chạm mốc 51 tỷ USD vào năm 2028.

Ngày nay, người tiêu dùng có nhiều tùy chọn khác nhau khi mua sắm. Ngay cả các thương hiệu lớn cũng tham gia vào cuộc đua khốc liệt của ngành thời trang.

Nhân viên kiểm định không khó nhận ra hàng hiệu giả khi nhìn qua ảnh hoặc sờ chất liệu. Ảnh: Vestiaire Collective.

Tuy nhiên, trước khi quyết định thanh toán, nhiều người thường quan tâm đến độ xác thực của các mặt hàng đã chọn. Đó là lúc họ cần đến Kai Ning (Singapore), một trong những chuyên viên thẩm định đồ hiệu đã qua sử dụng.

Theo Kai Ning, công việc này không chỉ cần kiến thức, chuyên môn vững mà còn phải có niềm đam mê.

“Chúng tôi sử dụng tất cả giác quan, từ thị giác, thính giác, khứu giác đến xúc giác khi kiểm tra sản phẩm. Khi đã có kinh nghiệm, bạn sẽ dễ ghi nhớ hình dáng, âm thanh, mùi và cảm nhận của một món đồ chính hãng”, Ning chia sẻ.

Cô ví việc kiểm định như một cuộc điều tra. Khi xác thực một số mặt hàng, chẳng hạn đá quý, đôi khi cô vẫn gặp khó khăn do các tiêu chuẩn chất lượng khác nhau.

Lúc đó, ngoài kỹ năng của mình, cô còn phải tận dụng các công cụ hiện đại để phát hiện sự khác biệt tinh tế giữa hàng thật và đồ giả.

Với kiến thức chuyên môn về thiết kế trang sức, đá quý và tư vấn đồng hồ, Kai Ning bắt đầu sự nghiệp với vai trò quản lý tại bộ phận ký gửi, chịu trách nhiệm đến thăm nhà khách hàng để giúp họ dọn dẹp tủ quần áo.

Một trong những mặt hàng độc đáo nhất đã qua tay cô kiểm tra là chiếc áo khoác của Jean-Charles de Castelbajac, sản xuất từ những năm 1980 với giá bán khoảng 10.000 SGD (7.409 USD) và có 17 chú gấu bông được may trên đó.

Kai Ning cho biết cô có thể phát hiện ra hàng giả từ xa. Trên thực tế, vào năm 2022, nhóm kiểm định làm việc cùng cô đã từ chối 8% hàng hóa được gửi qua ảnh vì không giống mẫu gốc.

“Trước hết, những nhà giám định phải hiểu tiêu chuẩn nhãn hiệu tùy theo dòng, chủng loại, thời kỳ. Ví dụ, dòng thời trang cao cấp so với thể thao, túi và quần áo may sẵn hoặc cổ điển và đương đại. Hiểu rõ chất liệu và lớp hoàn thiện là điều cơ bản. Đối với những mặt hàng giả mạo cao cấp nhất, dấu hiệu nhận biết thường ẩn trong các chi tiết”, cô nói thêm.

Để xác thực chất lượng của túi xách, mùi hương là yếu tố quan trọng. Trong khi đó, với đồng hồ và đồ trang sức, trọng lượng của một món đồ là tiêu chí đánh giá đầu tiên.

Trên trang cá nhân, Kai Ning cũng thường đăng tải những bức ảnh phân biệt đồ thật – giả mà cô bắt gặp trên đường phố.

Thảo Ngân