Có một nghề phía sau màn ảnh

Có một nghề phía sau màn ảnh

Diễn viên lồng tiếng Bùi Hồng Trân (bìa phải) cùng đồng nghiệp vừa hoàn thành một sản phẩm (Ảnh: NVCC)

Từng theo học Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM (nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM) với nhiều ước mơ, hoài bão nhưng chị Bùi Hồng Trân (TP.HCM) đã gác lại sự nghiệp để có thời gian chăm lo cho gia đình. Năm 27 tuổi, chị lập gia đình và chuyển về TP.Tân An, tỉnh Long An sinh sống. Vốn đam mê diễn xuất nhưng lại bận việc gia đình nên chị chọn cho mình hướng đi khác, không xuất hiện trước khán giả bằng dung mạo mà bằng giọng nói. Nghề lồng tiếng phim đến với chị từ đó. Chị kể, lúc đó, nghề lồng tiếng chưa phổ biến, muốn theo học, mỗi ngày, 5 giờ sáng chị đón xe buýt lên TP.HCM, đến 18-19 giờ thì về lại TP.Tân An. Cứ thế, chị kiên trì hơn 10 năm. “Đó là khoảng thời gian không ngắn cũng không dài nhưng đủ để tôi khẳng định niềm đam mê của mình. Hiện tại, tôi rất hài lòng với công việc này” – chị Trân tâm sự.

Trong đợt dịch Covid-19, chị không thể đi, về như trước nên quyết định mở phòng thu tại nhà ở phường 3, TP.Tân An, nhờ đó mà bảo đảm được thu nhập. Nhận thấy đây là công việc khá thú vị, linh động về thời gian nên chị mong muốn chia sẻ đến những ai yêu thích, đam mê và muốn theo đuổi nghề.

Chị chủ yếu lồng tiếng cho phim hiện đại, được cập nhật mới nhất từ các nước: Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan,… “Nhớ những ngày đầu vào nghề, chị lồng tiếng cho bộ phim Thời đại hoàng kim (Thổ Nhĩ Kỳ), có phân cảnh phải khóc liên tục nhưng vẫn phải giữ giọng, thu đi, thu lại hơn nửa ngày mới xong” – chị Trân kể về kỷ niệm khó quên với nghề. Gần đây, chị hoàn thành bộ phim Đi đến nơi có gió (bộ phim truyền hình hiện đại đời thường của Trung Quốc) và phim Love in Tokyo (phim truyền hình về tình yêu học trò của Nhật Bản) được khán giả đón nhận. Bên cạnh đó, chị còn lồng tiếng cho chương trình Quà tặng cuộc sống trên kênh VTV3, chương trình cho các bé trên kênh VTV7 Kids, K+,… và một số chương trình thiếu nhi, hoạt hình khác.

Nghề lồng tiếng phim có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu trong ngành công nghiệp điện ảnh, tạo cơ hội việc làm cho nhiều diễn viên, đạo diễn, những người làm việc trong lĩnh vực âm thanh, hậu kỳ phim. Lồng tiếng đòi hỏi người diễn viên phải biết diễn xuất, chuyển giọng liên tục, đồng bộ hóa giọng nói với hình ảnh và các cử động của nhân vật để phù hợp với bối cảnh và câu chuyện. “Công việc lồng tiếng phim cần có sự chuyên nghiệp, tập trung và kiên nhẫn, có thể mang lại thu nhập ổn định cho những người làm việc trong lĩnh vực này” – chị Trân chia sẻ.

Khi mạng xã hội phát triển, nghề làm nội dung được biết đến nhiều hơn, trong đó, để góp phần vào sự thành công của một đoạn phim, clip,… không thể thiếu người lồng tiếng. Chính những biểu cảm qua giọng nói sẽ đưa nội dung cần truyền đạt đến gần với khán giả hơn. Lồng tiếng cũng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho những ai yêu thích diễn xuất, yêu nghệ thuật và có thể “hái ra tiền” từ công việc này./.

Thảo Mi