Diễn biến đợt nắng nóng diện rộng ở miền Bắc và miền Trung

Diễn biến đợt nắng nóng diện rộng ở miền Bắc và miền Trung

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày 29/6, ở khu vực Bắc và Trung Trung bộ có khả năng xảy ra nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C.

Từ ngày 30/6, nắng nóng mở rộng ra vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 38 độ C. Dự báo từ mai (29/6), nắng nóng gia tăng ở các tỉnh miền Trung. Từ 30/6, khu vực này bước vào một đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt, kéo dài nhiều ngày với nhiệt độ cao nhất 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Đợt nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có thể kéo dài đến 10 ngày.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về Biến đổi khí hậu và Cảnh báo thiên tai nhận định, đợt nắng nóng 38 – 39 độ C kéo dài từ 30/6-10/7 dọc các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa tới Bình Định. Đợt nắng nóng này bắt đầu từ đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và lan dần tới các tỉnh Nam Trung Bộ. Nền nhiệt dao động từ 38 độ C – 39 độ C vào các buổi trưa sang chiều. Nắng nóng chủ yếu tập trung ở vùng ven biển và các khu vực đô thị. Trong giai đoạn này cũng sẽ có các cơn mưa dông cục bộ vào các buổi chiều nhưng mưa dông chủ yếu xảy ra ở phía Tây các tỉnh/thành. Khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa dông buổi chiều trong giai đoạn này. Điều đáng lo ngại là dự báo Trung Bộ vẫn rất hiếm mưa trong suốt tháng 7.

TS Nguyễn Ngọc Huy cho hay, dự báo nắng nóng kỷ lục ở Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) trong đầu tháng 7 tới có thể ghi nhận nhiệt độ kỷ lục lên tới 43.9 độ C (dự kiến vào ngày 1-2/7). Kỷ lục về nhiệt độ tại Bắc Kinh là 41,9 độ C được thiết lập tháng 7 năm 1999 khả năng cao sẽ bị phá vỡ trong tuần tới. Năm nay có thể là năm nóng nhất trong tất cả các năm trên phạm vi toàn cầu, từ khi ngành khí tượng có đo nhiệt độ đến nay. Bà con lưu ý sẽ có một đợt nắng nóng 38⁰C-39⁰C kéo dài từ 30/6-10/7 dọc các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa tới Bình Định.

Cũng theo cơ quan khí tượng, từ tháng 7 đến tháng 9/2023, có khoảng 6-8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Người dân cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.

Nắng nóng tiếp tục có khả năng xảy ra tại Bắc Bộ và Trung Bộ từ nay đến tháng 8/2023 với số ngày nắng nóng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 9, nắng nóng có thể xảy ra ở Bắc và Trung Trung Bộ với cường độ không gay gắt.

Từ tháng 10-12/2023, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông dự báo có khoảng 3-5 cơn và nguy cơ ảnh hưởng đến Trung Bộ, đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.

Từ tháng 10-11/2023, tại Bắc Bộ và Trung Bộ, nhiệt độ phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1 độ C, trong đó, tháng 12/2023 nhiệt độ cao hơn từ 1-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tây Nguyên và Nam Bộ tháng 10-11/2023, nhiệt độ phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C, tháng 12/2023 nhiệt độ cao hơn khoảng 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm.

Tô Hội