‘Hà Nội – mùa chuyển’ và những dư âm còn mãi

‘Hà Nội – mùa chuyển’ và những dư âm còn mãi

Xuyên suốt 2 đêm diễn, chương trình đã mang đến dòng chảy tự nhiên và trọn vẹn của âm nhạc qua nhiều giọng ca trữ tình, thành danh từ tác phẩm của hai nhạc sĩ như Tấn Minh, Hà Trần, Thanh Lam, Ngọc Anh. Các ca khúc được sắp xếp theo một trình tự mạch lạc. Nhiều bài hát được làm mới với các chất liệu như swing pop (Những khung trời khác, Đỗ Bảo), blues (Biết mãi là bao lâu, Đỗ Bảo), bossa nova (Khúc mưa, Phú Quang). Người nghe đi từ cảm xúc bâng khuâng, đơn phương khi yêu trong Chiều không em (Đỗ Bảo), Một dại khờ, một tôi (Phú Quang) đến những rung động mãnh liệt trong Tình khúc 24 (Phú Quang), Biết mãi là bao lâu (Đỗ Bảo). Và rồi đắm mình trong cảm giác mộng mị, nửa hư nửa thực qua các nhạc phẩm giàu hình tượng, tính triết lý như Điều hoang đường nhất (Đỗ Bảo), Trong giấc mơ xưa (Phú Quang).

Và giây phút khiến nhiều khán giả không khỏi xúc động đó khi nhạc sỹ Phú Quang bên cây đàn piano xuất hiện trên màn hình lớn của sân khấu với ca khúc Sẽ một mình. Khi tiếng đàn của ông kết thúc cũng là tiếng đàn piano của con gái Trinh Hương vang lên trên sân khấu, như một tiếp nối, như một lời khẳng định, âm nhạc của Phú Quang đã và sẽ tiếp tục có đời sống mãnh liệt của riêng nó.

Ngoài âm nhạc, chương trình ghi điểm ở phần thiết kế sân khấu, lấy cảm hứng từ những mái nhà lô xô của phố cổ Hà Nội. Ở sảnh, họa sĩ Lê Thiết Cương đặt một góc mang tên Lòng phố, gợi hình ảnh Hà Nội khi chuyển từ xuân sang hạ. Tên các ca khúc trong chương trình được chạm lên một thiết kế hình hộp, có đèn chiếu từ trên xuống. Khán giả tham dự đêm nhạc đã được trải nghiệm sự kết hợp đặc biệt tới mức hoàn hảo của nghệ thuật sắp đặt – điêu khắc – trình diễn – hội họa.

Với vai trò giám đốc âm nhạc, nhạc sĩ Đỗ Bảo đã tâm sự tại Liveshow: “Đêm nhạc là một điều vô cùng quý giá, là kỷ niệm không thể nào quên với bản thân tôi”.

Có thể nói, chương trình là điểm hội tụ của nhiều anh tài từ các lĩnh vực với mục tiêu tiệm cận một sự kiện văn hóa đáp ứng nhu cầu thưởng thức vừa đa dạng vừa chuyên sâu của khán giả hôm nay.

Trong những năm gần đây, hướng tới xây dựng thương hiệu Nhà hát Lớn Hà Nội là điểm đến nghệ thuật đỉnh cao, Nhà hát Lớn – Thánh đường nghệ thuật, tập thể Ban lãnh đạo Nhà hát đã không ngừng nỗ lực xây dựng các chương trình nghệ thuật đặc biệt, chú trọng tới khâu tổ chức, với mong muốn góp phần tạo nên một bước chuyển cho đời sống văn hóa giải trí thủ đô, để nơi đây không chỉ là nơi tổ chức các chương trình hòa nhạc, ca nhạc hay kỷ niệm các sự kiện lớn mà nó còn mang trong mình sứ mệnh chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, kết nối âm nhạc, chắp cánh những tác phẩm cũ và mới đến gần người xem, lan tỏa những giá trị nghệ thuật đẹp cho cuộc đời./.

PV