Hiệu quả từ cách làm sáng tạo

Hiệu quả từ cách làm sáng tạo

Ông Ninh Công Nhương (bên phải) kiểm tra lắp đặt hộp chữa cháy cộng đồng của Chi hội Trung Hòa A3. Ảnh: Đ.H.L

Các mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân mà còn có tính nhân văn sâu sắc, được nhân dân hưởng ứng tích cực, từ đó lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.

Kịp thời ứng cứu lúc hỏa hoạn

Câu chuyện thiên tai, hỏa hoạn chưa bao giờ trở thành vấn đề được người dân quan tâm như hiện nay khi ngày càng có nhiều vụ việc thương tâm xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng về người và của. Do đó, việc triển khai mô hình “Lắp đặt hộp chữa cháy cộng đồng” của Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê đã mang lại hiệu quả thiết thực khi giúp người dân chủ động phòng chống cháy nổ tại địa phương, góp phần hạn chế thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân.

Đến nay, người dân tổ dân phố số 3, khu dân cư Vĩnh An B1, phường Vĩnh Trung vẫn chưa thể quên vụ hỏa hoạn xảy ra vào đầu tháng 2-2023 tại ngôi nhà số 372 Hùng Vương. Ngọn lửa đột ngột bùng phát khi người dân sạc điện thoại bị chập điện cháy nổ, rồi rớt xuống ghế salon giữa đêm khuya trong lúc có 2 người đang ngủ say trong nhà. Nhờ sử dụng hộp chữa cháy cộng đồng cùng với bình chữa cháy cá nhân của hộ gia đình, Công an phường Vĩnh Trung đã nhanh chóng dập tắt ngọn lửa kịp thời và cứu các nạn nhân thoát ra khỏi đám cháy.

Chia sẻ với chúng tôi về lợi ích của hộp chữa cháy cộng đồng, ông Trần Thành, Bí thư Chi bộ kiêm Chi hội trưởng Chi hội CCB Vĩnh An B1 cho biết, hiện nay khu dân cư có 4 tổ dân phố với khoảng 365 hộ dân chủ yếu kinh doanh, buôn bán xung quanh khu vực chợ Cồn. Nơi đây có nhiều kiệt, hẻm nhỏ, xe cứu hỏa không thể vào được nên rất nguy hiểm khi xảy ra hỏa hoạn. Sau khi triển khai thực hiện mô hình “Lắp đặt hộp chữa cháy cộng đồng”, Chi hội CCB Vĩnh An B1 phối hợp Ban công tác Mặt trận và Ban điều hành tổ dân phố vận động các hộ dân lắp đặt 8 hộp chữa cháy cộng đồng. Nhờ đó đã dập tắt được nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra trong khu dân cư, điển hình là vụ cháy ở số nhà 372 Hùng Vương.

Được triển khai hơn 5 năm qua nhưng mấy ai biết rằng mô hình này lại xuất phát từ những điều rất bức thiết của cuộc sống. Ông Ninh Công Nhương, Chủ tịch Hội CCB phường Vĩnh Trung kể rằng, trong một lần ngồi xem tivi tình cờ thấy chiếu cảnh xe máy bốc cháy đột ngột giữa đường nhưng không có cách gì để dập lửa. Từ đó, ông nghĩ ngay đến việc cần phải lắp đặt những hộp chữa cháy cộng đồng để giúp người dân có thể xử lý kịp thời khi có hỏa hoạn xảy ra. Ông Nhương đề xuất lãnh đạo phường và được Đảng ủy phường giao cho Hội CCB triển khai thực hiện.

“Ban đầu vận động kinh phí rất khó khăn, do đó Hội CCB phường chọn ra 2 chi hội ở địa bàn có điều kiện kinh tế khá giả nhất để vận động người dân làm mẫu trước, rồi sau đó triển khai rộng ra mỗi quý thêm 2-3 chi hội và phấn đấu đến năm 2019 thì tất cả các chi hội CCB đều có hộp chữa cháy cộng đồng. Để bảo đảm tất cả các bình chữa cháy đều sử dụng tốt, Hội CCB phường tiếp tục chỉ đạo các chi hội thường xuyên kiểm tra các hộp chữa cháy công cộng nhằm thay thế, sửa chữa kịp thời những bình CO2 hư hỏng, hoặc hết thời hạn sử dụng”, ông Nhương nhấn mạnh.

Đến nay, toàn phường Vĩnh Trung đã lắp được 80 hộp/160 bình CO2, mỗi hộp trị giá 530.000 đồng tại các nhà sinh hoạt cộng đồng và các kiệt, hẻm khu dân cư. Nhờ tính thiết thực của mô hình này, nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố đã liên hệ trực tiếp Hội CCB phường Vĩnh Trung để được tư vấn, chia sẻ về cách lắp đặt sao cho tiết kiệm và hiệu quả. Dự kiến, thời gian tới, Ban Dân vận Thành ủy sẽ triển khai nhân rộng mô hình này trên 56 phường, xã với nguồn kinh phí khoảng 316,4 triệu đồng.

Lan tỏa tinh thần nhân ái

Với chủ trương thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động, các đối tượng yếu thế, thời gian qua, chính quyền, hội đoàn thể các cấp đã triển khai nhiều mô hình giúp đỡ, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Một trong những mô hình “dân vận khéo” tiêu biểu giúp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình là mô hình “10 ngàn – vạn yêu thương” của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.

Chia sẻ về tính hiệu quả của mô hình này, ông Nguyễn Lê Đức Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Khuê Mỹ cho biết, xuất phát từ yêu cầu của công tác an sinh xã hội, mặt trận phường đã triển khai mô hình từ năm 2014 để hỗ trợ các em học sinh nghèo, khó khăn đột xuất có điều kiện đến trường. Theo đó, mỗi cán bộ, người dân sẽ đóng góp 10.000 đồng vào quỹ khuyến học.

“Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, qua vận động, nhiều người dân đóng góp 50.000-100.000 đồng trở lên. Trung bình, mỗi năm vận động 20-25 triệu đồng tiền mặt và xe đạp, sách vở. Nguồn quỹ vận động được được công khai gửi đến các khu dân cư. Qua đó, các khu dân cư khảo sát các đối tượng khó khăn nhất để đề xuất Mặt trận phường xem xét hỗ trợ dựa trên nguồn kinh phí vận động được. Những khu dân cư có kinh tế khá giả hơn có thể nhường lại cho các trường hợp khó khăn hơn ở địa bàn khác. Nhờ đó giúp nhiều em học sinh có điều kiện đến trường, có thêm động lực để vươn lên trong học tập”, ông Nguyên nói.

Là địa bàn có nguồn vận động quỹ tương đối cao, ông Trần Văn Học, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư Đa Mặn 3A (phường Khuê Mỹ) cho biết, sau khi Mặt trận phường triển khai thực hiện, Ban công tác Mặt trận khu dân cư phối hợp với Ban điều hành tổ dân phố vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và người dân tham gia đóng góp 10.000 đồng/hộ. Từ nguồn quỹ vận động được, Mặt trận phường hỗ trợ các em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về học phí, sách vở, đồng phục và các chi phí khác. Nhờ ý nghĩa và hiệu quả của mô hình mang lại, càng ngày càng có nhiều người dân hưởng ứng ủng hộ.

“Khi mới thực hiện, khu dân cư Đa Mặn 3A chỉ vận động được 620.000 đồng, đến năm 2023 đã lên hơn 1,3 triệu đồng. Hiện khu dân cư có khoảng 300 hộ dân, trong đó có khoảng hơn 10 hộ nghèo. Từ nguồn quỹ này, các em học sinh nghèo học giỏi được trao học bổng vào các dịp tổng kết cuối năm học, khai giảng năm học mới, ngày hội đại đoàn kết… để có điều kiện đến lớp.

Mới đây, ngày 30-6, Ban công tác Mặt trận khu dân cư đề xuất Mặt trận phường hỗ trợ em Nguyễn Vũ Tuyết Nhi (lớp 5, Trường Tiểu học Trần Quang Diệu, là con hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn) 20 cuốn vở và 500.000 đồng. Đây là một trong số các em con hộ nghèo học giỏi được ưu tiên xét duyệt trong thời gian qua. Từ đó khích lệ các em tiếp tục đến trường và nâng cao thành tích học tập”, ông Học cho biết thêm.

Tương tự mô hình này, hơn 12 năm qua, Đảng bộ phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà triển khai thực hiện mô hình “Vận động nguồn lực hỗ trợ hằng tháng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn”. Theo đó, Đảng bộ phường vận động các đảng viên trong chi bộ tự nguyện trích tiền lương 200.000 đến 500.000 đồng để tạo nguồn hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đến nay, tất cả 25/25 chi bộ thuộc phường đều tham gia đỡ đầu cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường. Số tiền hỗ trợ của các mô hình không quá lớn nhưng với phương châm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, các đơn vị, địa phương đã kịp thời giúp đỡ các hộ nghèo trang trải phần nào cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, lan tỏa tinh thần nhân ái trong cộng đồng.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG