Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Kiểm toán Nhà nước nêu một số bất cập trong quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế năm 2021.

Kiểm toán Nhà nước vừa báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế năm 2021.

SAI SÓT TRONG THU, CHI BẢO HIỂM XÃ HỘI

Theo Báo cáo tài chính năm 2021 và Dự toán thu chi quỹ Bảo hiểm xã hội 3 năm 2022-2024, kết dư Quỹ Bảo hiểm xã hội trong năm 2021 là 100.178 tỷ đồng, số dư Quỹ Bảo hiểm xã hội chuyển năm sau 962.808 tỷ đồng, tương ứng giảm 8 tỷ đồng so với số báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Dự kiến giai đoạn 2022-2024, Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục thặng dư. Năm 2022, 2023, 2024 thặng dư lần lượt là 66.893 tỷ đồng, 76.111 tỷ đồng và 81.736 tỷ đồng.

Nguồn: Kiểm toán Nhà nước Việt Nam.

Kiểm toán Nhà nước cho biết về cơ bản, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị có liên quan đã quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm Xã hội theo quy định của nhà nước; song còn một số tồn tại.

Đối với thu bảo hiểm xã hội, thu bảo hiểm xã hội bắt buộc không đúng đối tượng 220 trường hợp là chủ hộ kinh doanh với số tiền 3,508 tỷ đồng và 78 trường hợp đã nghỉ hưu với số tiền 350 triệu đồng; thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trùng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 4.815 trường hợp với số tiền 30,173 tỷ đồng.

Đối với chi bảo hiểm xã hội, chi chế độ bảo hiểm xã hội đối với 28 trường hợp là chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội với số tiền 356 triệu đồng; chi trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đối với 91 trường hợp chưa đúng quy định với số tiền 3,630 tỷ đồng; một số trường hợp người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (được chi trả qua bưu điện) đã chết nhưng bưu điện chưa phát hiện để báo giảm kịp thời và Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa tính lãi phạt đầy đủ đối với bưu điện.

NHIỀU BẤT CẬP TRONG CÔNG TÁC LẬP, PHÂN BỔ, ĐIỀU CHỈNH DỰ TOÁN

Kiểm toán Nhà nước cho biết một số Bảo hiểm xã hội tỉnh chưa ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc về việc lập dự toán thu, chi năm 2021; lập dự toán chi quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế chưa chính xác, ước thực hiện một số khoản chi chưa đủ cơ sở, chưa căn cứ vào dự toán của đơn vị trực thuộc khi lập dự toán của toàn tỉnh; lập và giao dự toán chưa đúng thời gian theo Quyết định số 2468/QĐ-BHXH ngày 31/12/2019 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội tỉnh phân bổ dự toán cho các đơn vị trực thuộc đối với nguồn kinh phí quản lý đặc thù chưa chi tiết đầy đủ theo từng nhiệm vụ chi theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được Bộ Tài chính có ý kiến điều chỉnh dự toán năm 2021 tại Công văn số 566/BTC-HCSN ngày 17/01/2022 là chưa phù hợp thời gian theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 (trước 15/11 năm hiện hành). Qua số liệu thực hiện dự toán thu, chi năm 2021 cho thấy, nếu không điều chỉnh dự toán thì số thu năm 2021 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ không đạt dự toán do Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, tỷ lệ thực hiện thu năm 2021 so với dự toán giao đầu năm 2021 của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lần lượt là 98,44%, 97,39%, 87,76% và so với dự toán được giao năm 2021 (bao gồm cả điều chỉnh) lần lượt là 102,5%, 102,16%, 102,35%.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa phân bổ dự toán và rà soát đầy đủ kinh phí còn dư cuối năm của các nhiệm vụ về tổ chức thu, chi, quản lý đối tượng để xác định kinh phí tiết kiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Chuyển nguồn năm sau 399,177 tỷ đồng chưa đúng quy định tại Điều 43 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ; chưa có hồ sơ thuyết minh để rà soát chuyển nguồn năm sau tại Bộ Công an số tiền 225,878 tỷ đồng.

Chi trả cho bưu điện để bưu điện chi trả, quản lý đối tượng đối với người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng 208,048 tỷ đồng và người hưởng bảo hiểm xã hội một lần 99,858 tỷ đồng chưa hiệu quả, chưa phù hợp với giai đoạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin kết nối điện tử với các hệ thống ngân hàng thương mại. Ngày 18/11/2022, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 3503/QĐ-BHXH sửa đổi quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; trong đó có điều chỉnh không chi trả qua bưu điện đối với bảo hiểm xã hội một lần.

Chi chuyển phát cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam 105,177 tỷ đồng theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH VN nhưng chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính.

In và chuyển phát mẫu C12, C13, C14 theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH (số tiền 118,875 tỷ đồng) cho đơn vị sử dụng lao động và người lao động để thông báo kết quả đóng và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tuy nhiên, các thông tin này có thể tra cứu trên cổng thông tin điện tử của cơ quan Bảo hiểm Xã hội (https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn) và trên phần mềm VSSID của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Số hợp đồng tạm tuyển trong chỉ tiêu biên chế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tại ngày 31/12/2021 là 2.937 trường hợp và tại ngày 01/10/2022 là 545 trường hợp. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế, thực hiện ký hợp đồng tạm tuyển chưa phù hợp quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ.

QUẢN LÝ, ĐẦU TƯ CÁC QUỸ BẢO HIỂM CHƯA TỐI ƯU

Tổng số dư nợ gốc các khoản đầu tư tại 31/12/2021 là hơn 1,076 triệu tỷ đồng, tổng số tiền lãi đã thu trong năm là 43.276 tỷ đồng. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xây dựng Phương án đầu tư quỹ năm 2021 nhưng chưa xác định và thiếu dự kiến đầu tư đối với nguồn vốn nhàn rỗi năm trước để tối ưu hoạt động đầu tư.

Chưa tổng hợp số liệu tiền gửi tự động kỳ hạn 01 tháng trên tài khoản thanh toán (tài khoản phản ánh các khoản thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) vào Báo cáo đầu tư quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 30/2016/NĐ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ, qua kiểm toán điều chỉnh tăng số dư đầu tư tài chính tại 31/12/2021 là 92.794 tỷ đồng.

Chưa xử lý dứt điểm lãi thu thừa 1,610 tỷ đồng, lãi thu thiếu 1,416 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại từ năm 2011 đến nay.

Phân bổ thu nhập từ lãi hoạt động đầu tư năm 2021 vào các quỹ bảo hiểm chưa đúng tỷ lệ quy định tại Điều 12 Nghị định số 30/2016/NĐ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ. Kết quả kiểm toán điều chỉnh giảm bổ sung Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc 226 tỷ đồng, Quỹ Bảo hiểm y tế 471 tỷ đồng, tăng bổ sung Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 697 tỷ đồng.

TỒN TẠI TRONG QUẢN LÝ NỢ ĐỌNG, CHẬM ĐÓNG

Đến 31/12/2021, theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có 5.748.228 lao động tại 205.961 đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm với số tiền nợ gốc là 12.757 tỷ đồng (tăng 1.773 tỷ đồng so với năm 2020), nợ lãi là 3.593 tỷ đồng (tăng 433 tỷ đồng so với năm 2020) chiếm 3,09% và 0,87% số thu bảo hiểm của năm 2021.

Qua kiểm toán còn một số tồn tại như: Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí minh chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ việc xử phạt hành chính, khởi kiện để xử lý quyết liệt tình trạng nợ đọng, chậm đóng; chưa tính nợ lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Số nợ đọng Bảo hiểm Xã hội tại ngày 31/12/2021 của 29.724 doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ nước ngoài bỏ trốn là 3.083 tỷ đồng; song, chưa có quy định, hướng dẫn xử lý để giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, số tiền nợ đọng, chậm đóng Bảo hiểm Y tế đến thời điểm 31/12/2021 là 1.507 tỷ đồng (trong đó, nợ gốc là 1.404 tỷ đồng, nợ lãi là 103 tỷ đồng). Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cơ bản đã tổ chức theo dõi, quản lý nợ đọng, chậm đóng theo quy định nhưng số nợ đọng của các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ nước ngoài bỏ trốn hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn xử lý.

Phan Linh