Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Bổ sung quyền khởi kiện cho cơ quan BHXH

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Bổ sung quyền khởi kiện cho cơ quan BHXH

Trường ĐH Văn Lang và Trường ĐH Luật Hà Nội vừa phối hợp tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Hàng loạt vấn đề nóng như 2 phương án rút BHXH một lần, xử lý doanh nghiệp (DN) nợ BHXH và chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) đã được các đại biểu đưa ra phân tích, mổ xẻ nhằm hoàn thiện chính sách BHXH.

Tăng chế tài đối với doanh nghiệp sai phạm

Đề cập tình trạng nợ BHXH, PGS-TS Đoàn Thị Bích Diệp, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP HCM), cho rằng nếu chỉ xem đây là khoản nợ của người sử dụng lao động (NSDLĐ) đối với NLĐ và NLĐ không được hưởng quyền lợi gì trong khi vẫn bị trừ tiền đóng BHXH hằng tháng, tức là cơ quan BHXH đã “rũ bỏ trách nhiệm” với NLĐ.

Công nhân một doanh nghiệp tại quận Tân Bình, TP HCM làm thủ tục khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Bà Diệp nói khi NSDLĐ tuyển dụng và làm thủ tục tham gia BHXH cho NLĐ, nghĩa là NLĐ đã được ghi danh trong hệ thống BHXH và cơ quan BHXH có trách nhiệm thu, chi, quản lý. Nếu NSDLĐ khấu trừ lương hằng tháng của NLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH thì phải xem đây là khoản nợ của NSDLĐ đối với cơ quan BHXH. Khi đó, ngoài việc thực hiện các quyền của mình, cơ quan BHXH phải xem thời gian nợ là thời gian NLĐ vẫn đóng BHXH, vì họ vẫn bị trừ lương hằng tháng, như vậy họ sẽ đỡ thiệt thòi hơn.

Trước đây khi DN nợ đóng, chậm đóng BHXH, cơ quan BHXH sẽ khởi kiện, sau đó quyền này được chuyển sang cho tổ chức đại diện NLĐ là Công đoàn. Tuy nhiên, thực tiễn ở nhiều địa phương cho thấy quy định này không hẳn có lợi cho NLĐ bởi cán bộ Công đoàn cơ sở cũng là người làm công ăn lương.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, nói dự thảo Luật BHXH trước đây có đề xuất thêm quyền khởi kiện DN nợ BHXH cho cơ quan BHXH. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, trong bản dự thảo gần đây không đề cập nội dung này.

Thực tế cho thấy NLĐ, kể cả tổ chức Công đoàn rất vất vả trong việc khởi kiện DN nợ BHXH (thực hiện các thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ về việc nợ BHXH của DN, thủ tục ủy quyền…). Trong khi đó, cơ quan BHXH là nơi thực hiện thu, có đầy đủ hồ sơ chứng cứ, cũng là chủ nợ của DN nhưng lại không thực hiện khởi kiện. “Để bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho NLĐ, tôi đề nghị nên bổ sung thêm quyền khởi kiện DN nợ BHXH cho cơ quan BHXH” – ông Hiền góp ý.

Nhìn nhận tình trạng DN chậm đóng, trốn đóng BHXH thời gian qua không chỉ gây thất thu lớn cho quỹ BHXH mà còn ảnh hường đến quyền lợi của NLÐ, nhóm giảng viên Khoa Luật – Trường ĐH Văn Lang cho rằng ngoài các biện pháp xử lý hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi này tùy mức độ vi phạm, nên tăng mức phạt đối với DN trốn đóng BHXH nhiều lần.

Để bảo đảm tính khả thi của các biện pháp chế tài, nhóm đề xuất bổ sung các quy định ràng buộc trách nhiệm, biện pháp xử lý đối với cơ quan nhà nước và những cá nhân có trách nhiệm liên quan khi không tuân thủ quy định pháp luật về xử lý, giám sát các trường hợp vi phạm.

Tạo cơ hội cho người lao động

Theo PGS-TS Vũ Thư, Trường ĐH Văn Lang, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang có độ vênh so với tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW đối với đề xuất giải quyết chế độ BHXH một lần cho NLĐ. Cụ thể, Nghị quyết số 28-NQ/TW không cấm đoán, tôn trọng quyền tự quyết, tự định đoạt của NLĐ, được hưởng BHXH một lần; chỉ sử dụng biện pháp kinh tế, lợi ích vật chất để hạn chế việc hưởng BHXH một lần. Trong khi đó, các phương án đề xuất giải quyết chế độ BHXH một lần trong dự thảo BHXH lại thiên về việc dùng các biện pháp hành chính để hạn chế việc rút BHXH một lần của NLĐ.

ThS Nguyễn Vân Trang, Khoa Luật – Trường ĐH Sài Gòn, cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại ở các phương án rút BHXH một lần mà dự thảo đề xuất. Đó là cả 2 phương án đều có quy định NLĐ phải đợi sau 12 tháng không đóng BHXH mới được hưởng BHXH một lần, trong khi mục đích của chính sách này nhằm hỗ trợ NLÐ vượt qua những khó khăn ngắn hạn trước mắt.

Mặt khác, một trong 2 phương án đề xuất chỉ cho phép NLĐ rút BHXH một lần tối đa 50%, phần còn lại bảo lưu thì quy định phải chờ 12 tháng liệu có cần thiết? Đồng thời, tuy giảm mức hưởng (tối đa 50%), nhưng dự thảo không quy định về số lần được rút BHXH một lần, dẫn đến khả năng NLĐ rút nhiều lần khiến mục tiêu bảo đảm an sinh cho NLÐ khi về già khó đạt như kỳ vọng.

Từ bất cập này, bà Trang cho rằng để NLÐ được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghi hưu, về lâu dài nên ngưng giải quyết BHXH một lần. Để hướng đến mục tiêu này, phương án 2 có thể thay đổi thành: “Sau 3 tháng không tiếp tục đóng BHXH nhưng chưa đủ 15 năm đóng, nếu có yêu cầu thì người đóng được giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và chỉ giải quyết một lần. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH”.

Ngoài ra, dự thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép NLÐ hoàn trả số tiền BHXH một lần đã nhận kèm theo một khoản lãi tương ứng với lãi suất đầu tư của Quỹ BHXH công bố hằng năm. Cơ chế này giúp NLÐ vượt qua khó khăn trong ngắn hạn, mở ra cơ hội để họ được bảo toàn thời gian đã đóng để được hưởng lương hưu khi về già, giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội cho nhà nước.

N.Tú

Bài và ảnh: MAI CHI