Phản ứng của các bên sau khi Mỹ quyết định gửi bom chùm cho Ukraine

Phản ứng của các bên sau khi Mỹ quyết định gửi bom chùm cho Ukraine

Một đặc công Ukraine nhặt một phần chưa nổ của quả bom chùm còn sót lại ở khu vực Kiev. Ảnh: Reuters

Theo tờ The Guardian ngày 7/7, bom chùm bị cấm ở hơn 100 quốc gia. Loại bom này thường rải nhiều quả bom nhỏ hơn trên một khu vực rộng. Những quả bom không phát nổ đe dọa thường dân, đặc biệt là trẻ em, trong nhiều thập kỷ sau khi xung đột kết thúc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lo ngại tiến độ chậm chạp của Ukraine trong cuộc phản công, ngày 7/7, Lầu Năm Góc đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, trong đó có bom, đạn chùm.

Sau thông báo của Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mô tả gói viện trợ là sự bảo vệ kịp thời, rộng rãi và rất cần thiết khi ông viết một dòng tweet cảm ơn Tổng thống Joe Biden.

Trước đó, Ukraine đã đảm bảo với Mỹ bằng văn bản rằng họ sẽ sử dụng bom, đạn chùm một cách rất thận trọng nhằm giảm thiểu rủi ro cho dân thường.

Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích gay gắt quyết định của Tổng thống Biden khi nói rằng ít nhất 149 thường dân đã thiệt mạng hoặc bị thương trên toàn thế giới bởi loại vũ khí này vào năm 2021.

Hầu hết các đồng minh của Mỹ đã ký Công ước Liên hợp quốc về Bom, đạn chùm vào năm 2008. Mỹ, Nga và Ukraine chưa bao giờ ký hiệp ước trên, nhấn mạnh rằng có những trường hợp cần sử dụng vũ khí này.

Ông Paul Hannon, Phó chủ tịch Ban Quản lý Liên minh Chiến dịch Quốc tế Cấm Mìn và Bom chùm, cho biết: “Quyết định chuyển giao bom, đạn chùm của chính quyền Mỹ sẽ góp phần gây ra thương vong khủng khiếp cho dân thường Ukraine cả ngay lập tức và trong nhiều năm tới. Việc sử dụng bom, đạn chùm đang làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm nặng nề ở Ukraine do chất nổ còn sót lại và bom mìn”.

Tổng thống Biden cũng phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ chính đảng Dân chủ. Nữ nghị sĩ Ilhan Omar, người sẽ đồng chủ trì quy trình sửa đổi Đạo luật Ủy quyền quốc phòng cấm bán bom, đạn chùm, cho biết: “Chúng ta phải rõ ràng: nếu Mỹ muốn trở thành người đi đầu về nhân quyền quốc tế, chúng ta không được phép tham gia vào các vi phạm nhân quyền… Trên thực tế, những nạn nhân vô tội của bom, đạn chùm hầu như chỉ có dân thường Ukraine. Thay vì xử lý bom, đạn chùm, chúng ta nên làm mọi thứ trong khả năng của mình để chấm dứt sử dụng chúng”.

Nữ nghị sĩ Betty McCollum của bang Minnesota mô tả động thái này là “không cần thiết và là một sai lầm”, đồng thời nói thêm: “Những vũ khí này cần bị loại bỏ khỏi kho dự trữ của chúng ta, không phải để đưa tới Ukraine”.

Theo Lầu Năm Góc, lần cuối cùng người Mỹ sử dụng bom chùm là ở Iraq năm 2003. Các lực lượng Mỹ coi đây là vũ khí chủ chốt ở Afghanistan năm 2001. Trong ba năm đầu tiên của cuộc xung đột đó, ước tính liên minh do Mỹ lãnh đạo đã thả hơn 1.500 quả bom chùm ở Afghanistan.

Ngày 7/7, người phát ngôn của chính phủ Đức, ông Steffen Hebestreit nói với các phóng viên ở Berlin rằng Đức phản đối gửi bom chùm tới Ukraine.

Về phần mình, ông Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Mỹ, cho rằng quyết định gửi bom chùm trong đợt viện trợ quân sự mới nhất cho Kiev của Mỹ đồng nghĩa với việc thừa nhận thất bại và là một nỗ lực ngăn chặn thất bại. Ông Antonov lưu ý Mỹ đang tiếp tục gia tăng nguy cơ trong cuộc xung đột. Đồng thời, ông cho hay động thái của Mỹ thực sự vượt quá tiêu chuẩn, đưa nhân loại đến gần hơn với một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Thùy Dương/Báo Tin tức