Phát huy hiệu quả Chương trình ‘Mẹ đỡ đầu’ trong lực lượng công an

Phát huy hiệu quả Chương trình ‘Mẹ đỡ đầu’ trong lực lượng công an

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” là một trong những nội dung được Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Bộ Công an đã giao Cục Công tác đảng và công tác chính trị chỉ đạo Ban Thường vụ Hội Phụ nữ Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 01/KH-BTV ngày 07/01/2022 và Hướng dẫn số 02/HD-BTV ngày 31/3/2022 về quy trình thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được Công an các đơn vị, địa phương triển khai gắn liền với thực hiện Đề án 938 của Chính phủ về “Tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội” mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, thực sự là “cầu nối”, “điểm tựa” đầy tình thương, trách nhiệm, để các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ có cơ hội được học tập, phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh, trật tự, kỷ cương.

Đến nay, đã có 101/126 Hội Phụ nữ đơn vị trực thuộc Bộ, Công an địa phương nhận nuôi các cháu mồ côi; có nhiều đơn vị và cá nhân không quản ngại khó khăn nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh éo le. Đến nay, Phụ nữ toàn lực lượng đã nhận đỡ đầu gần 1.700 cháu trong độ tuổi từ 0 đến 18 tuổi, trong đó có 205 cháu con cán bộ, chiến sĩ, người lao động trong Công an nhân dân, 18 con liệt sỹ Công an, 145 con là người dân tộc thiểu số, 20 con mắc bệnh hiểm nghèo, 04 con phạm nhân nữ; các Hội Phụ nữ đơn vị trực thuộc Bộ nhận nuôi 214 cháu, số còn lại là Hội Phụ nữ Công an địa phương đảm nhận…

Đại diện các đơn vị (Mẹ đỡ đầu) trao Học bổng tặng các con nuôi. Ảnh: BCA.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được các Hội Phụ nữ tiến hành theo trình tự thống nhất, chặt chẽ, khoa học với hình thức nhận đỡ đầu gián tiếp, thường xuyên thăm hỏi động viên, nắm bắt thông tin, tình hình sức khỏe, học tập, kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề liên quan trên nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các cháu. Tùy theo điều kiện của Công an các đơn vị, địa phương mà các cấp Hội Phụ nữ nhận nuôi các con từ 05 năm hoặc đến khi các con đủ 18 tuổi. Một số Hội có phương án hỗ trợ việc làm sau khi các con học xong hoặc hỗ trợ, đồng hành cùng con học xong Đại học.

Cùng với chương trình này, một số Công an tỉnh đã triển khai mô hình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, với tổng số là 160 cháu (Hà Giang: 59 cháu, Yên Bái: 33 cháu, Hải Dương: 28 cháu, Sơn La: 23 cháu, Quảng Ngãi: 17 cháu).

Trong thời gian tới, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng và Công an cơ sở, nòng cốt là tổ chức Hội Phụ nữ các cấp và Công an cấp xã phát huy vai trò nòng cốt thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” trẻ mồ côi.

Ban Phụ nữ và các cấp Hội Phụ nữ trong Công an nhân dân sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa về ý nghĩa nhân văn cao cả của chương trình; động viên hội viên tích cực hưởng ứng tham gia và đồng hành cùng chương trình; các “Mẹ đỡ đầu” cần tích cực chăm lo hơn nữa và định hướng cho các con vững bước và viết tiếp những ước mơ tươi sáng của chặng đường sắp tới. Đồng thời, giám sát, biểu dương, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả trong tổ chức Hội, hội viên và quần chúng nhân dân…/.

Vy Anh