Sớm khắc phục tình trạng thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Sớm khắc phục tình trạng thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Cán bộ Trạm Y tế xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên tiêm phòng vắc xin cho trẻ em. Ảnh: Kim Ly

Thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo hiện có hơn 150 trẻ dưới 1 tuổi trong độ tuổi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu vắc xin, nên nhiều trường hợp phải hoãn tiêm hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi. Tỷ lệ tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ dưới 1 tuổi của thị trấn Hợp Châu hiện chỉ đạt hơn 11%.

Chị Đàm Thị Hà, cán bộ Trạm Y tế thị trấn Hợp Châu cho biết: “Tình trạng thiếu vắc xin 5 trong 1 tại trạm đã xảy ra trong 3 tháng nay. Nhiều trẻ đến lịch tiêm, nhưng không có vắc xin tiêm hoặc mới chỉ được tiêm 1 mũi nên chưa đủ hiệu quả phòng bệnh. Với những trường hợp đến lịch tiêm, nhưng chưa được tiêm, tôi phải giải thích cho bố mẹ của trẻ nguyên nhân thiếu vắc xin là do vướng mắc trong công tác nhập khẩu vắc xin và đây là tình trạng chung của cả nước chứ không phải của riêng 1 địa phương nào.

Sau khi nghe giải thích, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế đã đưa trẻ đi tiêm vắc xin 6 trong 1 có tác dụng phòng bệnh như vắc xin 5 trong 1 tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ vẫn tạm hoãn tiêm và chờ vắc xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng để được tiêm phòng. Cùng với việc thiếu vắc xin 5 trong 1, hiện nay, Trạm Y tế thị trấn Hợp Châu cũng thiếu vắc xin DPT để tiêm phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván cho trẻ”.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 29/6, đơn vị đã 4 tháng chưa được cấp vắc xin 5 trong 1 và hiện nay thiếu 24.400 liều. Vắc xin DPT thiếu 19.800 liều do 2 tháng chưa được cấp. Vừa qua, trung tâm đã được cấp vắc xin sởi và vắc xin viêm gan B để phân bổ cho các địa phương tiêm cho trẻ trong tháng 7 và tháng 8/2023, tuy nhiên, số lượng được cấp vẫn thiếu so với số vắc xin cần sử dụng.

Cụ thể, vắc xin sởi được cấp 700 liều, thiếu hơn 3.100 liều; vắc xin viêm gan B được cấp 2.000 liều, thiếu 1.800 liều. Tình trạng thiếu vắc xin 5 trong 1, DPT, sởi, viêm gan B dẫn đến nguy cơ trên địa bàn tỉnh có thể xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, dịch sởi, viêm màng não do vi khuẩn Hib.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề nghị các Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh có thể gây dịch ở trẻ em để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ bùng phát dịch.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin dịch vụ để tăng độ bao phủ vắc xin; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực khám, phát hiện và điều trị một số bệnh có nguy cơ xảy ra dịch cho cán bộ y tế cơ sở; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc điều trị đối với các bệnh truyền nhiễm hiện đang thiếu vắc xin phòng bệnh.

Tình trạng thiếu một số loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là thực trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước. Đối với vấn đề này, các tỉnh, thành phố đã kiến nghị, đề xuất Bộ Y tế xem xét, sớm có giải pháp khắc phục thực trạng trên. Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Chính phủ đã giao Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu vắc xin, làm việc với các nhà sản xuất, cung cấp, nhập khẩu để thương thảo và thực hiện mua sắm vắc xin trong thời gian sớm nhất.

Chương trình tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch cho trẻ em dưới 5 tuổi là chương trình mục tiêu y tế quốc gia có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em. Mong rằng, tình trạng thiếu hụt một số loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ sẽ sớm được khắc phục trong thời gian tới.

Quỳnh Hương