Thượng tọa Thích Chân Quang, Đại đức Thích Nhuận Đức bị cấm thuyết giảng: Thuyết pháp không thể tùy tiện

Thượng tọa Thích Chân Quang, Đại đức Thích Nhuận Đức bị cấm thuyết giảng: Thuyết pháp không thể tùy tiện

Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có thông báo kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang bằng việc không được thuyết giảng dưới mọi hình thức trong thời gian 2 năm.

hông báo kỷ luật này ghi rõ, cùng với hình thức nêu trên, Thượng tọa Thích Chân Quang phải thu hồi tất cả các phái quy y Tam bảo có nội dung tự sửa 1 trong 5 giới không đúng với ngũ giới do Đức Phật chế trong giới luật Phật giáo. Gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang xã hội.

“Không đưa các bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang lên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian Thượng tọa Thích Chân Quang nhập thất sám hối tại Thiền tôn Phật Quang”, Thông báo số 244/TB-HĐTS-VP2 ngày 19/6/2024 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu.

Trước đó, một nhân sự Phật giáo khác là Đại đức Thích Đức Nhuận bị cấm thuyết giảng trong thời gian 1 năm, theo thông báo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thượng tọa Thích Chân Quang và Đại đức Thích Nhuận Đức là hai trong số mười mấy gương mặt thuyết giảng Phật pháp quen thuộc của Phật giáo Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây với lượng người theo dõi trực tiếp và trực tuyến lớn cũng như thông qua các video thuyết giảng trên mạng xã hội.

Việc xử lý này của bộ phận chức năng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến từ việc mạng xã hội thời gian qua lưu truyền các clip phát ngôn, thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang và Đại đức Thích Nhuận Đức có nội dung sai với tôn chỉ, giáo lý, giáo luật Phật giáo. Những clip thuyết giảng này cũng được xem là đã vi phạm các quy tắc thuyết giảng của Ban Hoằng pháp Trung ương.

Quang cảnh Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc. Ảnh minh họa.

Việc đưa ra hình thức kỷ luật này của Giáo hội Phật giáo cũng là để thực hiện nghiêm Thông tư 206/2020/TT-HĐTS (ngày 19/9/2020) của Ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn việc sinh hoạt của tăng ni, trong đó có việc sinh hoạt trên không gian mạng.

Theo đó, tăng ni được quyền sử dụng không gian mạng để nâng cao kiến thức, tu học, nghiên cứu, tương tác, chia sẻ thông tin, phát huy tính mẫu mực đạo đức, lối sống của người xuất gia với các pháp lữ và tín đồ, cư sĩ Phật tử.

“Tăng ni sử dụng không gian mạng không được thực hiện các hành vi: Phê phán pháp môn khác, tạo mâu thuẫn trong truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, xuyên tạc lịch sử Phật giáo Việt Nam và tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chia sẻ cảm xúc và hình ảnh cá nhân, tương tác và các hành vi khác không phù hợp với giáo pháp…”, Thông tư 206/2020/TT-HĐTS cũng quy định.

Thuyết pháp được Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa là giảng giáo lý cho tín đồ trong những dịp nào đó. Cũng như nhiều tôn giáo khác, việc thuyết pháp thông qua việc giảng là hoạt động không thể thiếu trong sinh hoạt Phật giáo. Những bài giảng đó không chỉ là kiến thức học thuật, giáo giới mà còn là những hướng dẫn thực tế về cách sống an lạc, biểu lộ lòng từ bi và tình yêu thương đối với cuộc sống. Đồng thời còn mang lại niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống, trở thành nguồn lực để Phật tử thực hành thiền hàng ngày.

Bởi vậy nó đòi hỏi vị thuyết pháp không chỉ có sự thông thái mà còn cần đến trí tuệ để sự thông thái lan tỏa, đi được vào cuộc sống một cách lành mạnh, chân chính. Việc thuyết pháp hướng đến đông đảo đối tượng bởi vậy càng không thể tùy tiện diễn dịch, “chế tác” hoặc thậm chí lồng các quan điểm, điểm nhìn xa lạ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới Phật giáo, ảnh hưởng tới việc nỗ lực tu tập để tịnh hóa ba nghiệp thân, khẩu, ý một cách thực sự ở mỗi phật tử, mỗi tăng, ni.

Nhiều chuyên gia về tôn giáo có chung nhận định, việc xử lý kỷ luật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với một số tăng ni trong đó có Thượng tọa Thích Chân Quang và Đại đức Thích Nhuận Đức là cần thiết và kịp thời để giảm thiểu việc tùy tiện, nhiễu loạn trong thuyết pháp để việc thuyết pháp đi đúng giáo lý nhà Phật, không tạo dư địa ảnh hưởng đến nhận thức của Phật tử, người dân cũng như không để các đối tượng xấu, các đối tượng thù địch lợi dụng công kích, hạ thấp uy tín của Giáo hội, tăng ni; gây mất đoàn kết xã hội và tôn giáo.

Một số chuyên gia đề xuất từ việc kỷ luật như trên cho thấy cần có những quy định chặt chẽ hơn cho công tác thuyết giảng để không tiếp diễn những tiền lệ mang tính tùy tiện như đã xảy ra.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuong-toa-thich-chan-quang-dai-duc-thich-nhuan-duc-bi-cam-thuyet-giang-thuyet-phap-khong-the-tuy-tien-327403.html