Tiễn biệt nhà lãnh đạo đáng kính

Tiễn biệt nhà lãnh đạo đáng kính

Khác với không khí ồn ã, nhộn nhịp thường ngày, trên các tuyến đường từ Nhà tang lễ Quốc gia (Trần Thánh Tông) đi qua Tràng Tiền, Tràng Thi, Trần Phú… cho đến những tuyến phố: Nguyễn Cơ Thạch, Trần Vĩ, Lê Đức Thọ, Hồ Tùng Mậu… dẫn về Nghĩa trang Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội), hàng vạn người dân lặng lẽ đứng chật kín hai bên đường, trên tay cầm cờ Tổ quốc có buộc dải băng đen. Dòng người hướng về Nghĩa trang Mai Dịch mỗi lúc một đông hơn, trong đó có không ít cán bộ hưu trí, mái đầu đã bạc trắng; có những cựu chiến binh trong bộ quân phục đã sờn cũ, trên ngực lấp lánh các loại huân chương, huy chương; có đông đảo học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ… Hòa trong dòng người đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có nhiều người dân từ các tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội; có đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, không quản nắng mưa, vượt hàng trăm cây số về Thủ đô chờ để tiễn biệt và được thắp nén tâm nhang kính dâng lên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhân dân bày tỏ niềm tiếc thương, tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: PHÚ SƠN

Tất cả đều một lòng hướng về Tổng Bí thư! Trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, trên các tuyến phố đoàn xe nghi lễ đưa linh cữu Tổng Bí thư đi qua, rất nhiều người đã không kìm nén được cảm xúc, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Đứng sát bên mép đường Lê Đức Thọ, khi xe nghi lễ đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa đi qua, bà Nguyễn Thị Hương, 70 tuổi, ở xã Vinh Quang,(Vĩnh Bảo, Hải Phòng) lau vội những giọt nước mắt xúc động, ánh mắt vẫn cố dõi theo xe nghi lễ đến khi khuất hẳn.

Bà Nguyễn Thị Hương bùi ngùi chia sẻ: “Xã Vinh Quang có vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm khi đồng chí dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng văn hóa Thượng Điện vào tháng 11-2017. Hôm đó có rất đông bà con trong xã tham gia để mong được gặp Tổng Bí thư. Là người đứng đầu Đảng, đứng đầu đất nước, nhưng Tổng Bí thư rất giản dị, gần gũi, từ phong cách ăn mặc đến trò chuyện, hỏi thăm, động viên bà con với giọng nói từ tốn, chậm rãi để bà con dễ nghe, dễ hiểu. Tổng Bí thư dùng từ “chúng ta” khi trò chuyện và gọi người dân là các cụ, các ông, các bà, các anh, các chị, các cháu… rất thân thiết, mến thương và khiêm nhường vô cùng. Hay tin Tổng Bí thư từ trần, tôi cùng một số bà con trong xã đã thuê xe ô tô và có mặt ở Thủ đô vào sáng sớm 26-7 để kịp tiễn biệt ông. Trong trái tim bà con xã Vinh Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cộng sản mẫu mực, tận hiến, kiên trung, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xin được thắp nén tâm nhang tiễn biệt ông!”.

Hòa trong dòng người đến tiễn đưa Tổng Bí thư, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình, 70 tuổi, ở Phố Nối (Mỹ Hào, Hưng Yên) cầm trên tay tấm ảnh chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nổi bật phía dưới ảnh chân dung là câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình xúc động bày tỏ: “Tôi dự định đến Nhà tang lễ Quốc gia để thắp nén tâm nhang kính dâng lên vị lãnh đạo đáng kính của toàn thể nhân dân Việt Nam. Nhưng vì điều kiện không cho phép nên tôi có mặt ở Thủ đô Hà Nội từ sáng sớm 26-7 để chờ được tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi chưa có vinh dự được gặp Tổng Bí thư, nhưng từ phong cách lãnh đạo, tác phong công tác, tôi cảm nhận ông là người gần gũi, chân tình, sâu sát với cơ sở”.

Có mặt trong dòng người trên đường Hồ Tùng Mậu-con đường dẫn vào Nghĩa trang Mai Dịch, trong số hàng nghìn người ở đây đứng chờ để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Thèn Quốc Tuấn, 25 tuổi, ở thị trấn Cốc Pài (Xín Mần, Hà Giang). Mặc trên mình chiếc áo trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng, Thèn Quốc Tuấn đón xe khách vượt hơn 300km xuống Hà Nội từ ngày 25-7, sau đó đón xe buýt về thôn Lại Đà (Đông Hội, Đông Anh) viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở quê nhà. Tối muộn 25-7, Tuấn đón xe buýt về Nhà tang lễ Quốc gia để chờ vào viếng lần hai và hôm nay (26-7), anh có mặt ở gần Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư lần cuối. Thèn Quốc Tuấn bộc bạch: “Không chỉ riêng đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang mà với uy tín và tầm ảnh hưởng to lớn của bác Trọng, rất nhiều người trên mọi miền đất nước cũng luôn dành sự tôn kính đối với Tổng Bí thư”.

Đoàn xe nghi lễ đưa linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chầm chậm đi trên đường Hồ Tùng Mậu trước khi tiến vào Nghĩa trang Mai Dịch như để cán bộ, chiến sĩ LLVT, nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước có thêm thời gian chào tiễn biệt vị lãnh đạo đáng kính. Hòa trong những tiếng khóc và niềm tiếc thương sâu sắc, chúng tôi thật xúc động khi chứng kiến nhóm sinh viên mang trên mình chiếc áo thanh niên tình nguyện, tay đặt lên ngực trái, chào tiễn biệt Tổng Bí thư, vừa hát vang Quốc ca trầm hùng. Hành động đó như lời hứa của thế hệ trẻ, nguyện sẽ ra sức phấn đấu, học tập, rèn luyện theo lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với thanh niên nước nhà.

Mặc cho thời tiết về chiều càng thêm nắng nóng, nhưng hàng nghìn người vẫn cố nán lại gần Nghĩa trang Mai Dịch cho đến khi lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc mới lặng lẽ ra về. Ông Nguyễn Văn Phương, cán bộ hưu trí, năm nay 65 tuổi, ở phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mặc bộ quần áo trang trọng tối màu, đứng sát bên đường Trần Vĩ để được tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối. Là người thường xuyên theo dõi các hoạt động và những chỉ đạo của Tổng Bí thư, trò chuyện với chúng tôi, ông Phương đúc kết: “Xuyên suốt trong tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hướng về nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân đặt lên trên hết, trước hết và hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hơn 20 năm trong vai trò lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong đó hơn 13 năm trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã luôn củng cố và phát huy đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng; thể hiện rõ sự sáng suốt, quyết liệt trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt là công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của đất nước gặt hái được nhiều thành quả quan trọng, trong đó có dấu ấn rất lớn của Tổng Bí thư. Chính những kết quả đó càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng…”.

Thật khó để bày tỏ hết tình cảm, lòng thành kính, biết ơn của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đúng như khẳng định của Chủ tịch nước Tô Lâm trong Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Di sản của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam, sẽ được kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc đổi mới; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu, hy sinh”.

Ghi nhanh của MINH MẠNH