Nga sẵn sàng đáp trả đòn tấn công tài chính nặng nề nhất từ phương Tây

Nga sẵn sàng đáp trả đòn tấn công tài chính nặng nề nhất từ phương Tây

Các nước phương Tây đang tích cực xúc tiến thực hiện đòn tấn công tài chính, thông qua việc chuyển giao tài sản bị phong tỏa của Nga cho Ukraine, Kyiv có khả năng nhận được hơn 300 tỷ USD, nhưng Moskva đã có sự chuẩn bị sẵn.

Các cuộc tham vấn về vấn đề gửi tài sản bị đóng băng của Nga sang Ukraine đã bắt đầu tại Mỹ vào cuối năm ngoái. Người khởi xướng quá trình này là Tổng thống Joseph Biden. Mỹ muốn chuyển tiền cho Kyiv vào giữa tháng 2/2024.

Điều đáng chú ý là Washington đã thực hiện bước đi như vậy ngay sau khi có thông tin cho rằng không có triển vọng phân bổ khoản tiền 61 tỷ USD viện trợ Ukraine. Sáng kiến này không nhận được sự ủng hộ của các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ.

Như tờ Bloomberg đưa tin, Nga đã cảnh báo việc chuyển tài sản bị phong tỏa sang Ukraine và đang chuẩn bị phản ứng với phương Tây. Moskva có ý định hành động trong khuôn khổ pháp lý thuần túy, nên bước đi của Mỹ và EU sẽ kéo theo nhiều vụ kiện tại tòa án.

Đồng thời, Nga cũng đang xúc tiến các thỏa thuận với nhiều công ty luật quốc tế để đại diện và bảo vệ cho lợi ích của Moskva trước tòa án phương Tây.

Moskva tự tin khẳng định rằng với khả năng gần như 100%, các tòa án quốc tế sẽ đứng về phía họ và không cho phép tịch thu tài sản bị đóng băng.

Giới chuyên gia Nga không chỉ phân tích luật pháp của các nước phương Tây và tiền lệ về chuyển nhượng tài sản, mà bản thân nhiều quan chức Mỹ và EU cũng hiểu rằng luật pháp đang đặt ra rào cản.

Các quan chức tham gia thảo luận tin tưởng rằng việc đưa nhau ra tòa sẽ ngăn chặn việc chuyển tiền sang Ukraine, ngay cả khi Nga không giành được quyền kiểm soát số tiền này.

Theo quan điểm của họ, phương Tây có rất ít cơ hội trước tòa án và không có cơ sở pháp lý để bắt giữ tài sản của Nga theo luật hậu đóng băng, hãng tin Bloomberg lưu ý.

Đồng thời, nguồn tin lưu ý rằng Nga có thể kháng cáo lên nhiều tòa án cùng một lúc. Đó là Tòa án Công lý Quốc tế tại The Hague, Tòa án Quận phía Nam New York và Tòa án Công lý Liên minh Châu Âu tại EU tại Luxembourg.

Nỗ lực chiếm đoạt tài sản của Nga sẽ dẫn đến những tranh chấp pháp lý kéo dài và khiến phương Tây gặp rắc rối trong nhiều năm.

Thực tiễn trên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của phương Tây với tư cách là chủ thể tài chính chủ đạo trên thế giới và thậm chí có thể dẫn đến dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ đầu tư của châu Âu.

Bên cạnh đó, rất có thể cuộc chiến tư pháp kéo dài của Nga trên nhiều mặt trận cùng một lúc sẽ được tiến hành trong bối cảnh “cuộc chiến tịch thu” liên tục của cả hai bên diễn ra.

Hãng tin Bloomberg lưu ý rằng việc ra tòa là một lựa chọn mà các quan chức cấp cao của Nga đã thảo luận từ lâu. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina cho biết vào tháng 7 năm ngoái rằng bà “gần như đã sẵn sàng” để thách thức việc đóng băng tài sản của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 năm ngoái, bà Nabiullina gọi việc tịch thu tài sản là “một tín hiệu rất tiêu cực đối với tất cả các ngân hàng trung ương, bởi vì đây là hành vi vi phạm các nguyên tắc cơ bản về an ninh dự trữ”.

Lưu ý rằng hầu hết tài sản bị đóng băng của Nga đều được lưu trữ trong các quỹ châu Âu. Chỉ một phần nhỏ tiền của Nga được đặt tại Mỹ. Đó là lý do tại sao việc Mỹ đạt được quyết định về việc chuyển tài sản bị phong tỏa từ EU sang Ukraine lại rất quan trọng.