Không còn hy vọng về một thỏa thuận thương mại Anh – Mỹ

Không còn hy vọng về một thỏa thuận thương mại Anh – Mỹ

Ông Sunak và ông Biden thảo luận tại Nhà Trắng hôm 8/6. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố về thỏa thuận hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng hôm 8/6, theo Guardian.

Ông Sunak khẳng định liên kết chặt chẽ hơn giữa hai nước được thiết kế để củng cố an ninh kinh tế nhằm đối phó với các mối đe dọa. “Tuyên bố Đại Tây Dương”, được công bố vào cuối chuyến thăm tới Washington của ông Sunak, về mặt nào đó không khác gì một loạt thỏa thuận kinh tế nhỏ.

Tuy nhiên, tính biểu tượng của nó rất quan trọng, đánh dấu sự thay đổi từ phương châm của Anh về thương mại tự do không bị ràng buộc sang ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ lẫn nhau.

Theo kế hoạch, Anh và Mỹ sẽ tăng cường chuỗi cung ứng, phát triển công nghệ của tương lai và đầu tư vào các ngành công nghiệp của nhau, Reuters dẫn tuyên bố từ văn phòng của ông Sunak.

Thông báo về thỏa thuận trên cũng báo hiệu Anh không còn hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ, vốn là một lời hứa quan trọng trong tuyên ngôn của đảng Bảo thủ năm 2019.

Khi được hỏi vì sao không có thỏa thuận lớn hơn, Thủ tướng Sunak khẳng định tuyên bố này dù sao cũng sẽ mang lại lợi ích cho các công ty của Anh, cũng như “đáp ứng những cơ hội và thách thức cụ thể mà chúng ta phải đối mặt ngay bây giờ và trong tương lai”.

Trong khi đó, Công đảng Anh nhận định đảng cầm quyền Bảo thủ đã “không thực hiện được thỏa thuận thương mại toàn diện mà họ đã hứa”, PA đưa tin.

Ông Biden đã nhấn mạnh lợi ích kinh tế của thỏa thuận này, khẳng định Anh có thể đóng “vai trò chính” trong việc cung cấp cho Mỹ công nghệ xanh như pin.

Được ký kết trong các cuộc đàm phán tại Nhà Trắng, tuyên bố mới sẽ buộc Anh phải tuân theo các chính sách kinh tế từng bị một số thành viên trong chính phủ của ông Sunak nói là mang màu sắc của chủ nghĩa bảo hộ, chẳng hạn cho phép các doanh nghiệp Anh tận dụng các khoản trợ cấp của Mỹ.

Được số 10 Phố Downing quảng bá là “một kế hoạch hành động mới để hợp tác giải quyết những thách thức kinh tế lớn nhất của thời đại chúng ta”, tuyên bố này nhằm cho phép hai nước “tiến nhanh hơn và hợp tác sâu hơn” trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng.

Hai quốc gia cũng sẽ bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận khoáng chất quan trọng, cho phép một số công ty của Anh tiếp cận các khoản tín dụng thuế theo Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ.

Các khoáng chất, chẳng hạn lithium, niken, coban, than chì và mangan, rất quan trọng đối với pin ôtô điện, điện thoại thông minh và tấm pin Mặt Trời.

Anh và Mỹ cũng sẽ hợp tác về công nghệ viễn thông bao gồm 5G và 6G cũng như công nghệ lượng tử, tuyên bố Đại Tây Dương cho biết.

Vân Đinh