Brazil sẽ thả ra môi trường 5 tỷ con muỗi để ngừa sốt xuất huyết

Brazil sẽ thả ra môi trường 5 tỷ con muỗi để ngừa sốt xuất huyết

Một nhân viên nghiên cứu thả muỗi mang khuẩn Wolbachia ra môi trường.

Tổ chức phi lợi nhuận Chương trình Muỗi Thế giới (WMP) mới đây thông báo họ có kế hoạch mỗi năm thả khoảng 5 tỷ con muỗi được biến đổi gene ra nhiều khu vực đô thị ở Brazil trong vòng 10 năm tới, theo tạp chí Nature.

Các con muỗi đã được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và mang vi khuẩn Wolbachia, loại vi khuẩn có thể ngăn chặn côn trùng truyền virus Zika lây truyền bệnh sốt xuất huyết ở người.

Theo các nghiên cứu của WMP, vi khuẩn Wolbachia pipientis có thể tấn công mạnh mẽ các virus khác trong vật chủ khiến virus không thể lây truyền.

Dựa vào đặc tính này, các nhà khoa học đã thử nghiệm cấy vi khuẩn Wolbachia vào muỗi Aedes aegypti, là loài lây truyền virus Zika gây bệnh sốt xuất huyết.

Kết quả cho thấy rất khả quan, vi khuẩn Wolbachia pipientis có thể đánh bại các virus có sẵn ở vật chủ, bao gồm cả virus Zika, virus gây bệnh dengue, chikungunya và các virus khác.

Do đó, khi một con muỗi Aedes aegypti bị nhiễm khuẩn Wolbachia, qua thời gian, chúng sẽ không thể lây truyền virus Zika khi đốt người và sẽ giảm hẳn tình trạng lây bệnh sốt xuất huyết.

Điều đáng lưu ý là vi khuẩn Wolbachia pipientis có khả năng lây nhiễm ở khoảng một nửa số loài côn trùng trong tự nhiên nhưng chúng lại không thể lây nhiễm sang muỗi Aedes aegypti. Do đó, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ nuôi cấy số muỗi bị mắc khuẩn Wolbachia và thả chúng vào môi trường. Qua quá trình giao phối và sự cạnh tranh về nguồn thức ăn, chúng sẽ giúp đẩy lùi lượng muỗi mang virus Zika lây truyền bệnh cho con người.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự thành công của phương pháp này. Nghiên cứu ngẫu nhiên, kiểm soát tại Yogyakarta, Indonesia, là nghiên cứu phổ biến nhất cho thấy việc ứng dụng này giảm tới 77% tỷ lệ mắc dịch sốt xuất huyết và giảm tới 86% tỷ lệ nhập viện do dịch sốt xuất huyết.

Tại Brazil, thử nghiệm ở 5 thành phố cho kết quả khiêm tốn hơn. Tại khu vực Niterói, sự can thiệp đã có tác động làm giảm 69% số ca sốt xuất huyết. Ở thành phố Rio de Janeiro, mức giảm là 38%.

Sơ đồ cơ chế lai tạo muỗi mang vi khuẩn Wolbachia.

Brazil có một trong những tỷ lệ nhiễm sốt xuất huyết cao nhất thế giới, báo cáo hơn hai triệu trường hợp vào năm 2022. Do đó, các chương trình hướng tới giải pháp ngăn chặn sự phát triển căn bệnh truyền nhiễm này đã được đẩy mạnh.

WMP đang hợp tác với Quỹ Oswaldo Cruz (Fiocruz), một tổ chức khoa học công của Brazil ở Rio de Janeiro để phát triển một “nhà máy sản xuất muỗi Aedes mang khuẩn Wolbachia”.

Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động năm 2024, và đưa ra môi trường khoảng 5 tỷ con muỗi nhiễm khuẩn Wolbachia mỗi năm.

Việc sử dụng Muỗi nhiễm khuẩn Wolbachia đã được các cơ quan quản lý của Brazil phê duyệt. Nhưng công nghệ này vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức xác nhận.

Luciano Moreira, một trong những cộng tác viên của WMP ở Brazil cho rằng, dù kết quả nghiên cứu có nhiều tích cực nhưng phương pháp sử dụng muỗi nhiễm khuẩn Wolbachia “không phải viên đạn bạc” và phải đi cùng với các biện pháp y tế công cộng khác như tiêm vaccine Sốt xuất huyết hay việc làm sạch môi trường.

“Phương pháp Wolbachia chỉ là phương pháp bổ sung và chúng ta nên làm việc với các phương pháp kết hợp để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết, Zika và chikungunya” – ông Moreira nhận định.

Xuân Mai