Làn sóng cánh hữu dần chi phối châu Âu

Làn sóng cánh hữu dần chi phối châu Âu

Một diễn biến được chú ý gần đây là việc làn sóng cánh hữu đang dần mạnh lên ở châu Âu. Sự thay đổi này đang diễn ra từng chút một nhưng nhiều khả năng trở thành một xu hướng chính trị mới và có tác động đến chính sách ở lục địa này, theo tờ Politico.

Lãnh đạo đảng cực hữu Vox – ông Santiago Abascal (giữa) vận động tranh cử ở đô thị Palma de Mallorca thuộc quần đảo Baleares (Tây Ban Nha) ngày 14-7. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Làn sóng cánh hữu tại chính trường châu Âu

Một thực tế là các đảng cánh hữu hiện nắm vai trò lớn trong nhiều chính phủ ở châu Âu. Tại Phần Lan, giữa tháng 6, đảng dân tộc chủ nghĩa cánh hữu Finns tham gia chính phủ liên minh. Tại Hy Lạp, cuộc bầu cử cuối tháng 6 cho thấy các đảng cánh hữu giành được sự ủng hộ lớn của một bộ phận cử tri.

Ở Ý và Thụy Điển, các đảng cánh hữu trực tiếp lãnh đạo hoặc tham gia liên minh chính phủ. Trong khi đó, tại Hungary và Ba Lan, các đảng cánh hữu đã nắm quyền trong nhiều năm. Ở Tây Ban Nha, các đảng cánh hữu được ủng hộ mạnh trong cuộc bầu cử ngày 24-7. Đảng trung hữu Partido Popular (PP) đứng đầu, giành được 136/350 ghế, trong khi đảng cực hữu mới nổi Vox giành được 33 ghế.

Việc các đảng trung hữu và cực hữu nổi lên có thể gây những hậu quả sâu sắc đối với EU – nhà phân tích chính trị châu Âu Hans Kundnani.

Đài Euronews dẫn nhận định của bà Cathrine Thorleifsson – Phó Giáo sư tại ĐH Oslo và là người đứng đầu Ủy ban về Chủ nghĩa cực đoan của chính phủ Na Uy rằng xu hướng phe cánh hữu dần chiếm ưu thế trên chính trường châu Âu không gây ngạc nhiên.

Các đảng cánh hữu đã tăng cường vận động bầu cử trong nhiều thập niên qua và có nhiều nguyên nhân giúp các đảng này dần thắng thế, như khủng hoảng nhập cư, khó khăn về kinh tế, liên quan xung đột ở Ukraine.

“Tại một số nước, xu hướng này liên quan rất chặt chẽ đến vấn đề di cư. Ở các quốc gia khác, đó là cách cảnh báo với các đảng cánh tả về những vấn đề liên quan kinh tế, liên quan nỗi sợ của người dân” – theo ông Janis Emmanouilidis, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách châu Âu (Bỉ).

Bên cạnh đó, theo bà Thorleifsson, chủ nghĩa chống Liên minh châu Âu (EU) cũng giúp các đảng cánh hữu thu hút sự ủng hộ, khi “rất nhiều cử tri vỡ mộng hoàn toàn với các đảng chính trị thông thường”.

“Dường như chúng ta đang ở trong cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa mới. Người dân trải qua cuộc khủng hoảng tài chính, đại dịch, tác động kinh tế do xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt. Trong thời kỳ khủng hoảng, một số đảng cánh hữu đã tìm ra những giải pháp khá đơn giản đối với những vấn đề rất phức tạp này. Họ hứa hẹn sẽ bảo vệ người dân, đất nước trước những mối đe dọa từ bên ngoài” – bà Thorleifsson nhận định.

Cũng theo bà Thorleifsson, với việc đề cao các vấn đề về giá trị truyền thống, tôn giáo, nhiều đảng cánh hữu đã thuyết phục được cử tri rằng sẽ bảo vệ các giá trị tự do của châu Âu mà họ cho là đang bị đe dọa.

Từ đầu những năm 1980, sự ủng hộ dành cho các đảng cánh hữu ở châu Âu bắt đầu tăng, dù chậm nhưng rất ổn định. Điều đó giúp bộ phận này chuyển từ những nhóm bên lề trở thành phần quan trọng trong dòng chảy chính trị châu Âu.

Liệu chính sách châu Âu sẽ bị tác động?

Theo giới quan sát, không loại trừ khả năng chính sách của các nước châu Âu thời gian tới sẽ chịu tác động một khi xu hướng chính trị cánh hữu tiếp tục chiếm ưu thế ở châu lục này.

Năm 2024, EU sẽ bầu lại Nghị viện châu Âu. Theo Politico, xu hướng các đảng cánh hữu tăng nắm quyền ở nhiều nước có thể tạo ra một Nghị viện châu Âu bảo thủ hơn, có những quyết định cứng rắn hơn về cả đối nội (như chính sách nhập cư, chống EU…) và đối ngoại (như giao thương với Trung Quốc, quan hệ với Nga, Mỹ…).

Thời gian qua, đặc biệt sau làn sóng bạo động đầu tháng 7 ở Pháp, nhiều đảng cánh hữu ở châu Âu kêu gọi các chính phủ thắt chặt chính sách nhập cư. Theo đài DW, nhiều chính trị gia cánh hữu cho rằng những người có xuất thân nhập cư là thành phần chính trong các cuộc bạo động.

Đảng Finns ở Phần Lan chủ yếu vận động cho chương trình nghị sự chống nhập cư và chống EU. Ông Bijan Djir-Sarai – Tổng Thư ký đảng trung hữu Dân chủ tự do Đức – cho rằng nhập cư không kiểm soát là mối đe dọa đối với an ninh trong nước.

Về đối ngoại, các đảng cánh hữu thường có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc (TQ). Hồi tháng 5, trên website của mình, EPP – đảng theo xu hướng trung hữu đặt trụ sở tại Bỉ và có nhiều thành viên là đại biểu Nghị viện châu Âu – đã chỉ trích việc TQ mở rộng hoạt động quân sự, sử dụng quyền lực kinh tế để ảnh hưởng các nước đang phát triển. EPP cũng chỉ trích việc nhiều lãnh đạo châu Âu đến thăm TQ, gọi đây là dấu hiệu cho thấy châu Âu bị chia rẽ. Theo EPP, châu Âu phải giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của TQ, quyết liệt bảo vệ bí mật công nghệ và cơ sở hạ tầng quan trọng trước ảnh hưởng của TQ.

Về quan hệ với Nga, trong quá khứ, các đảng cánh hữu châu Âu thường có xu hướng ủng hộ Nga. Tuy nhiên, khảo sát năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy số thành viên các đảng cánh hữu ở Ý, Pháp, Đức, Hungary, Thụy Điển có quan điểm ủng hộ Nga đã giảm. Dù vậy, nhìn chung những người ủng hộ cánh hữu vẫn có cái nhìn tích cực hơn về Nga so với những người châu Âu khác.

Với Mỹ, trả lời phỏng vấn đài NPR, ông Cas Mudde – GS khoa học chính trị tại ĐH Georgia (Mỹ) cho rằng các chính quyền cánh hữu châu Âu sẽ có quan hệ tốt với Mỹ nếu tổng thống mới được bầu vào năm tới là người của đảng Cộng hòa. Theo tạp chí The American Conservative, một số đảng cánh hữu châu Âu ủng hộ quan hệ tích cực với Mỹ, lý do được cho là do châu lục này không thể từ bỏ quan hệ liên minh với Washington, vì sẽ phơi bày những điểm yếu về kinh tế và quân sự của châu Âu.•

HỒNG SƠN