Ông Macron nói gì về Đài Loan, Trung Quốc khi điện đàm với ông Biden?

Ông Macron nói gì về Đài Loan, Trung Quốc khi điện đàm với ông Biden?

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 20/4 đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi căng thẳng dâng cao theo sau những nhận xét gần đây của nhà lãnh đạo Pháp về Đài Loan (Trung Quốc) và mối quan hệ an ninh của châu Âu với Washington.

Cuộc điện đàm diễn ra sau khi ông Macron phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng châu Âu không nên “đi theo” Mỹ trong vấn đề Đài Loan. Tổng thống Pháp đã đưa ra những bình luận sau chuyến thăm Trung Quốc cùng với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) khác.

Hai nhà lãnh đạo đã đưa ra những bản tóm tắt với những điểm khác nhau đáng chú ý về cuộc trò chuyện của họ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington DC, Mỹ, ngày 1/12/2022. Ảnh: SCMP

Nhà Trắng và Điện Elysee cho biết trong các tuyên bố riêng sau cuộc điện đàm rằng, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về chuyến thăm cấp nhà nước của ông Macron vào tuần đầu tiên của tháng 4 tới Bắc Kinh, nơi ông đã dành vài giờ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Khi kết thúc chuyến đi, Tổng thống Macron đã gây xôn xao khi nói với các phóng viên rằng các nước châu Âu không nên bị lôi kéo vào cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan. Ông Macron cho biết châu Âu nên tránh “những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”.

Ông cũng nhắc lại chính sách “tự chủ chiến lược” của EU và kêu gọi châu Âu trở thành “cực thứ ba” địa chính trị trước Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng tuyên bố: “Là đồng minh không có nghĩa là trở thành chư hầu”.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để thống nhất. Trung Quốc gần đây đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quanh hòn đảo này.

Nhà Trắng nói gì về cuộc điện đàm?

Về cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Macron, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng “hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về chuyến công du gần đây của Tổng thống Macron tới Trung Quốc và những nỗ lực không ngừng của họ nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng, an ninh, các giá trị chung và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Hai nhà lãnh đạo “tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”, tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.

Ông Biden và ông Macron cũng thảo luận về xung đột Nga-Ukraine và nhắc lại sự ủng hộ kiên định của họ đối với Ukraine trước Nga, tuyên bố cho biết thêm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hội đàm không chính thức ở Quảng Đông, ngày 7/4/2023. Ảnh: Getty Images

Cũng hôm 20/4, Tổng thống Mỹ đã có cuộc điện đàm riêng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Một tuyên bố của Nhà Trắng về cuộc điện đàm cho biết: “Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về chuyến đi gần đây của bà von der Leyen tới Bắc Kinh và cam kết chung của họ trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nhân quyền và thực tiễn thương mại công bằng”.

Tuyên bố khác nhau về Trung Quốc, Đài Loan

Trong khi đó, tại Paris, Điện Elysee cho biết, trong cuộc điện đàm, ông Biden được thông báo tóm tắt về “kết quả đạt được” trong chuyến công du Trung Quốc của ông Macron. Tuyên bố của phía Pháp không chỉ rõ những kết quả đó là gì.

Tuyên bố không đề cập trực tiếp đến Đài Loan, thay vào đó nói rằng, “Hai Tổng thống có chung mong muốn củng cố sự hợp tác đang được tiến hành và ủng hộ luật pháp quốc tế, bao gồm cả tự do hàng hải, trong toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Tuyên bố của Pháp về xung đột ở Ukraine cũng khác với tuyên bố của Mỹ. Điện Elysee cho biết, Trung Quốc có “vai trò đóng góp, trong trung hạn, nhằm chấm dứt xung đột theo các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc”.

“Hai Nguyên thủ Quốc gia đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác với chính quyền Trung Quốc trên cơ sở này”, tuyên bố cho biết thêm.

Về mối quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương, tuyên bố của Điện Elysee nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc các nước châu Âu tiếp tục tự trang bị vũ khí để đảm nhận trách nhiệm của mình trong việc chia sẻ gánh nặng an ninh xuyên Đại Tây Dương”.

Minh Đức (Theo DW, Anadolu Agency)