Azerbaijan mở chiến dịch vào vùng tranh chấp với nước đồng minh của Nga

Azerbaijan mở chiến dịch vào vùng tranh chấp với nước đồng minh của Nga

Lực lượng Azerbaijan ở ranh giới khu vực Nagorno-Karabakh (ảnh: DW)

Hôm 19/9, Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố, Armenia phải rút hết lực lượng khỏi Nagorno-Karabakh để tạo điều kiện cho hòa bình.

“Cách duy nhất để đạt được ổn định và hòa bình trong khu vực là Armenia phải rút toàn bộ lực lượng một cách vô điều kiện. Chế độ ly khai ở vùng Karabakh của Azerbaijan phải bị giải tán”, Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo.

Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, quân đội Azerbaijan chỉ tấn công vào các cơ sở quân sự ở Nagorno-Karabakh bằng “vũ khí có độ chính xác cao”.

Quân đội Azerbaijan cho hay, họ đã tạo hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường ở khu vực Nagorno-Karabakh. Quân đội Azerbaijan kêu gọi dân thường tránh xa các khu vực quân sự.

Theo Reuters, có nhiều tiếng nổ vang lên ở thủ phủ Nagorno-Karabakh, nơi được người Armenia gọi là Stepanakert, còn Azerbaijan gọi là Khankendi.

Lực lượng ly khai gốc Armenia ở Nagorno-Karabakh cho hay, quân đội Azerbaijan cố gắng xuyên thủng phòng tuyến của họ bằng các đợt pháo kích dữ dội. Nhưng phòng tuyến vẫn được giữ vững.

Armenia – quốc gia thuộc khối quân sự CSTO do Nga dẫn đầu – hôm 19/9 đã chỉ trích chiến dịch của Azerbaijan, gọi đây là “cuộc xâm lược toàn diện”.

Bộ Quốc phòng Armenia cho hay, Armenia không duy trì quân đội ở Nagorno-Karabakh và tình hình biên giới giữa Armenia với Azerbaijan vẫn ổn định.

Nagorno-Karabakh từ lâu đã trở thành tâm điểm tranh chấp giữa Azerbaijan và Armenia. Vùng đất này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, nhưng phần lớn sắc tộc ở đây là người gốc Armenia.

Thường dân ở Nagorno-Karabakh khổ sở vì những cuộc xung đột quân sự (ảnh: DW)

Năm 2020, quân đội Azerbaijan xảy ra xung đột với lực lượng ly khai do Armenia hậu thuẫn ở Nagorno-Karabakh. Cuộc chiến kéo dài 6 tuần và chấm dứt nhờ thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian.

Hôm 19/9, Nga kêu gọi các bên ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh và tôn trọng thỏa thuận năm 2020.

“Chúng tôi biết phải làm gì để giải quyết tình hình. Chúng tôi kêu gọi các bên thực hiện theo những gì đã thỏa thuận, không kích động căng thẳng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga – bà Maria Zakharova – nói.

Theo Reuters, Nga là đồng minh quân sự truyền thống với Armenia. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Nga đối với nước này đang có dấu hiệu suy giảm.

Mới đây, Armenia đã tham gia cuộc tập trận Đối tác Đại bàng 2023 chung với Mỹ. Động thái của Armenia khiến Moscow lo ngại.

Vương Nam – DW, Reuters