Ngày Wagner nổi loạn

Ngày Wagner nổi loạn

Wagner ngày 24/6 đưa hàng nghìn quân vào miền nam Nga trong vụ nổi loạn bị coi là phản quốc, nhưng rút lui sau khi đạt thỏa thuận với Điện Kremlin.

Lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin mặc trang phục dã chiến xuất hiện tại sở chỉ huy Quân khu miền Nam Nga ở thành phố Rostov-on-Don, tỉnh Rostov, sáng 24/6, tuyên bố lực lượng dưới quyền đã kiểm soát các cơ sở quân sự Nga tại đây.

Prigozhin trước đó điều hàng nghìn tay súng đang tham chiến ở Ukraine vượt biên giới trở về Nga để “đòi công lý” sau khi cáo buộc Bộ Quốc phòng tiến hành cuộc không kích nhắm vào doanh trại của lực lượng này khiến nhiều người chết. Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ cáo buộc trên.
Cơ quan An ninh Nga (FSB) thông báo mở cuộc điều tra với Prigozhin vì hành vi “xúi giục nổi loạn” chống lại Bộ Quốc phòng.

Xe tăng sơn ký hiệu chữ Z của lực lượng Wagner xuất hiện trên đường phố Rostov-on-Don sau khi lực lượng này kiểm soát sở chỉ huy Quân khu miền Nam.

Prigozhin tuyên bố kiểm soát thành phố Rostov-on-Don để buộc Tổng tham mưu trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nga tới đây gặp ông. “Nếu họ không đến, chúng tôi sẽ tiến về Moskva”, trùm Wagner nói.

Lính Wagner tại ban công sở chỉ huy Quân khu miền Nam ở thành phố Rostov-on-Don. Không có đụng độ nổ ra khi lực lượng này kiểm soát các cơ sở quân sự Nga.
Tay súng Wagner đứng gác trên nóc sở chỉ huy Quân khu miền Nam.

Loạt địa phương Nga sau đó tuyên bố các biện pháp siết chặt an ninh, trong khi thủ đô Moskva cũng tăng cường lực lượng phòng thủ. Nhiều tướng quân đội Nga đã khuyên Prigozhin rút lực lượng và không có những động thái liều lĩnh.

Trong phát biểu trưa 24/6, Tổng thống Vladimir Putin gọi cuộc nổi loạn của Wagner là hành vi phản quốc và tuyên bố sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người liên quan.

Bộ Quốc phòng Nga kêu gọi các tay súng Wagner rời bỏ tổ chức, cam kết sẽ đảm bảo an toàn cho họ.

Tuy nhiên, Prigozhin khi đó tuyên bố ông và các tay súng của mình sẽ không đầu hàng. Nhiều khu vực tại miền nam Nga yêu cầu người dân hạn chế đi lại, ban bố cơ chế chống khủng bố để đối phó với lực lượng Wagner.

Các đơn vị Wagner tiếp tục tiến qua thành phố Voronezh và Lipetsk ở phía nam thủ đô Moskva.

Cảnh sát giao thông Nga chốt chặn tại một trạm kiểm soát ở phía nam Voronezh, một phần trong chiến dịch chống khủng bố đối phó Wagner.

Các xe tải quân sự chở lính Wagner chạy trên cao tốc M4 gần khu vực Voronezh. M4 là tuyến cao tốc trọng yếu nối thủ đô Moskva với các thành phố phía nam của Nga.
Quân đội và cảnh sát Nga sử dụng xe thiết giáp thiết lập trạm kiểm soát trên đoạn cao tốc ở ngoại ô Moskva.

Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin nói tình hình “khó khăn” và thông báo người dân sẽ được nghỉ làm vào ngày 26/6 để “giảm thiểu rủi ro”.

Công nhân gỡ bỏ một biểu ngữ liên quan đến tập đoàn Wagner ở ngoại ô St. Petersburg, Nga.
Người dân địa phương nói chuyện với lính Wagner tại Rostov-on-Don

Căng thẳng tiếp tục leo thang trong ngày 24/6, khi các nhóm quân Wagner tiếp tục hướng về Moskva. Prigozhin cho hay lực lượng Wagner có lúc cách thủ đô Nga khoảng 200 km.

Tối 24/6 (rạng sáng 25/6 giờ Hà Nội), Prigozhin bất ngờ ra lệnh cho thành viên Wagner trở về doanh trại để “tránh đổ máu”.

Prigozhin rời trụ sở Quân khu miền Nam bằng ôtô.

Vài phút trước khi Prigozhin ra tuyên bố, Văn phòng Tổng thống Belarus cho biết với sự đồng ý của ông Putin, ông Alexander Lukashenko đã sử dụng kênh liên lạc riêng để đối thoại với Prigozhin trong suốt ngày 24/6.

Điện Kremlin sau đó thông báo vụ án hình sự với Prigozhin sẽ được hủy, lãnh đạo Wagner sẽ được đảm bảo rời Nga đến Belarus, nhưng không rõ ông sẽ làm gì ở nước này. Các thành viên Wagner tham gia “cuộc nổi dậy vũ trang” cũng sẽ không bị truy tố.

Lính Wagner rút khỏi thành phố Rostov-on-Don sau lệnh của Prigozhin, chấm dứt cuộc nổi loạn.

Hiện chưa rõ số phận của Wagner sau biến cố này, nhưng Điện Kremlin cho hay một số thành viên Wagner từ chối tham gia nổi loạn có thể được ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga.

Tất cả các hạn chế an ninh trên cao tốc ở Nga đã được dỡ bỏ. Giao thông tại đại lộ Budennovsky gần sở chỉ huy Quân khu miền Nam Nga đã trở lại bình thường sau khi Wagner rút quân.

Theo AFP, cuộc nổi loạn của Wagner ngày 24/6 được xem là khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất ở Nga trong nhiều thập kỷ qua.