Giảm chứng đầy hơi tại nhà bằng 5 cách đơn giản

Giảm chứng đầy hơi tại nhà bằng 5 cách đơn giản

1. Nguyên nhân gây đầy hơi?

Theo PGS.TS. Bùi Khắc Hậu, nguyên giảng viên Đại học Y Hà Nội, hơi tích tụ trong dạ dày là nguyên nhân phổ biến nhất gây đầy hơi.

Các nguyên nhân phổ biến khác gây đầy hơi bao gồm ăn quá nhiều và ăn quá nhanh, táo bón, ăn nhiều chất béo, do mắc bệnh dạ dày (viêm, loét, sa dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích…), sỏi niệu quả…

Các triệu chứng đầy hơi như thường xuyên ợ hơi, khó chịu ở dạ dày, bụng suôi ùng ục… Các biểu hiện này có thể đi kèm với đau bụng, chuột rút, buồn nôn hoặc nôn.

Tình trạng đầy hơi dai dẳng không cải thiện khi thay đổi lối sống, chẳng hạn như ăn nhiều bữa nhỏ hoặc tránh một số loại thực phẩm có thể là dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng hơn cần được thăm khám chuyên khoa.

2. Biện pháp giảm đầy hơi tại nhà

– Đi dạo: Các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ xung quanh hoặc tập thể dục tạo ra chuyển động của cơ thể giúp thải khí ra ngoài, giảm đầy hơi.

– Xoa bóp nhẹ nhàng: Dùng bàn tay đặt lên bụng và di chuyển, xoa bóp thành hình chữ I, L, U và O theo hướng chuyển động của ruột đi qua đại tràng và ruột non. Hoạt động này giúp kích thích tiêu hóa, tăng cường nhu động ruột, từ đó giúp giảm khó chịu do đầy hơi.

Xoa quanh bụng giúp giảm đầy hơi.

– Tập các tư thế yoga: Một số tư thế yoga giúp thư giãn có thể để hỗ trợ quá trình thải khí. Bạn có thể thực hiện các tư thế này bao gồm:

Tư thế em bé:

Quỳ trên đầu gối, giữ lưng thẳng, hai ngón chân cái chạm nhau.
Hít thật sâu và hạ thân người về phía sau sao cho mông ngồi lên gót chân, ngực áp vào đùi. Trán chạm sàn.
Hai cánh tay duỗi thẳng ra phía trước hoặc đặt đưa về về sau sao cho mu bàn tay áp xuống sàn.

Giữ tư thế trong vòng 1-3 phút.

Tư thế em bé.

Tư thế chắn gió (Apanasana)

Nằm ngửa và duỗi thẳng hai chân với hai bàn chân sát vào nhau.
Co đầu gối về trước ngực, hai tay ôm cẳng chân và kéo đầu gối của bạn xuống ngực sâu hơn.
Nâng đầu lên chạm đầu gối. Bạn cũng có thể giữ đầu phẳng nếu cảm thấy thoải mái hơn.
Giữ tư thế trong 20 giây trở lên.

Tư thế chắn gió.

Tư thế gập người

Đứng thẳng người, dang hai chân rộng bằng vai và uốn cong về phía trước từ thắt lưng.
Duỗi lưng thẳng và chạm tay xuống sàn.

Tư thế gập người.

Đứng lên- ngồi xuống (Squat)

Đứng thẳng, hai chân dang rộng bằng hông.
Đẩy hông xuống sao cho đầu gối vuông góc và đùi song song với sàn.
Hai tay đặt sau đầu hay giữ trước ngực.
Dùng lực bàn chân đẩy người lên.
Thực hiện động tác 5-10 lần.

Tư thế squat đúng giảm chứng đầy hơi.

– Uống trà thảo dược

+ Trà gừng: Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi, gừng tươi có vị cay, tính hơn ôn, vào 3 kinh phế, tỳ, vị. Có tác dụng chữa bụng đầy chướng, nôn mửa… Hơn nữa, theo chứng minh của y học hiện đại, gừng chứa các hợp chất như gingerol và shogaol có thể giúp thư giãn các cơ đường tiêu hóa, giảm đầy hơi và chướng bụng.

Để pha trà gừng, sử dụng gừng tươi cắt lát hoặc xay. Đun sôi 2 cốc nước, cho gừng vào nước sôi rồi đun nhỏ lửa trong vòng 10 – 15 phút. Lọc trà và thêm mật ong hoặc chanh để tạo hương vị. Uống trà gừng này 2-3 lần một ngày để giảm đầy hơi.

Lưu ý không nên uống vào buổi tối vì sẽ gây nóng trong, dễ khiến mất ngủ.

Trà gừng.

+ Trà hoa cúc: Trong y học cổ truyền, hoa cúc được dùng để trị chứng đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn… Bên cạnh đó, hoa cúc được biết đến với đặc tính làm dịu và chống viêm, có thể giúp làm dịu hệ thống tiêu hóa bị kích thích và giảm đầy hơi.

Để chuẩn bị trà hoa cúc, hãy đun sôi một cốc nước (khoảng 250ml nước) và thêm một túi trà hoa cúc hoặc một thìa hoa cúc khô (2-3gr). Hãm trong 5-10 phút.

Trà hoa cúc.

+ Trà hạt thì là: Hạt thì là là một trong những biện pháp khắc phục tốt nhất cho chứng đầy hơi và khó chịu về tiêu hóa do có chứa các hợp chất có thể giúp thư giãn cơ ruột. Để pha trà thì là có thể dùng 1 thìa cà phê hạt thì là hãm trong 250ml nước sôi. Ngoài ra, để tăng lượng chất lỏng giúp cải thiện chứng đầy hơi, bạn có thể uống nước ấm hoặc nước chanh ấm.

– Thay đổi thói quen ăn uống

Để tránh bị đầy hơi, bạn không nên sử dụng đồ uống có ga mà nên thay thế chúng bằng nước lọc hoặc nước trái cây làm từ trái cây tươi.

Ăn nhiều chất xơ có trong thực phẩm như đậu Hà Lan, bông cải xanh, nấm… nhằm tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột, hỗ trợ sức khỏe đường ruột và có thể làm giảm đầy hơi.

Tránh ăn mặn do natri khiến cơ thể giữ nước, khiến bạn bị đầy hơi. Giảm lượng muối ăn vào càng nhiều càng tốt để ngăn ngừa đầy hơi.

Mời bạn xem tiếp video:

Đầy hơi, chướng bụng và lời khuyên của thầy thuốc | SKĐS

Anh Khánh