Tin thế giới 4/10: Nga nêu lý do Chủ tịch Hạ viện Mỹ mất chức, Azerbaijan có động thái mới

Tin thế giới 4/10: Nga nêu lý do Chủ tịch Hạ viện Mỹ mất chức, Azerbaijan có động thái mới

Ông Kevin McCarthy đã phải rời khỏi vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ. (Nguồn: AP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga hạ tên lửa Neptune của Ukraine gần Crimea: Ngày 4/10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo: “Vào khoảng 20h30 ngày 3/10 giờ Moscow (0h30 ngày 4/10 giờ Việt Nam), lực lượng phòng không đã thành công trong việc ngăn chặn nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng tên lửa chống hạm Neptune vào các cơ sở trên lãnh thổ Nga”.

Thông báo cũng nhấn mạnh lực lượng phòng không đã phát hiện và phá hủy tên lửa Ukraine “trên khu vực phía Tây Bắc Biển Đen, gần bờ biển Bán đảo Crimea”.

Trước đó, Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhayev cho biết, đã phát cảnh báo không kích trong thành phố. Sở Giao thông đường bộ và cơ sở hạ tầng vận tải Sevastopol cho biết, vận tải đường thủy và đường bộ đã tạm dừng. Thống đốc Razvozhayev sau đó thông báo, cảnh báo không kích đã được dỡ bỏ. (TASS)

* Moscow bắn hạ hàng loạt UAV Ukraine trên lãnh thổ Nga: Ngày 4/10, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố phòng không nước này hạ 31 máy bay không người lái (UAV) Ukraine trong đêm ở Belgorod, Bryansk và Kursk giáp vùng biên giới.

Trên kênh Telegram, Thống đốc vùng Bryansk Alexander Bogomaz cáo buộc quân đội Ukraine đã tấn công một số ngôi làng ở khu vực Bryansk, miền Nam nước Nga, bằng bom chùm. Ông Bogomaz khẳng định không có thương vong trong các cuộc tấn công, song một số ngôi nhà đã bị hư hại.

Giới chức Nga ở Bryansk và khu vực giáp biên giới đã nhiều lần cáo buộc quân đội Ukraine pháo kích bừa bãi. Hiện nay, bom, đạn chùm bị cấm ở hơn 100 quốc gia. (Reuters)

* Thành viên NATO muốn dùng “ô an ninh để bảo vệ Ukraine: Ngày 4/10, phát biểu tại một hội nghị an ninh ở thủ đô Warsaw (Ba Lan), Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis tuyên bố: “Ukraine phải trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chiếc ô an ninh xuyên Đại Tây Dương của NATO cũng phải bảo vệ những quốc gia bị bỏ lại trong vùng xám địa chính trị”.

Ông nhấn mạnh các bên ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột với Moscow “phải làm mọi cách để giữ Ukraine trong các đường biên giới năm 1991 ở phe bên này”.

Quan chức này ca ngợi Đức đã đồng ý đồn trú lâu dài với 4.000 quân ở Lithuania: “Những nỗ lực củng cố sườn phía Đông phụ thuộc vào ý chí tự vệ của chúng ta… Khi chúng ta khẳng định sẽ giúp đỡ Ukraine chừng nào còn cần thiết, tại sao chúng ta không thể tuyên bố rõ ràng chúng ta đang tìm kiếm chiến thắng của Ukraine? Chiến thắng của Ukraine phải là mục tiêu chiến lược của tất cả”. (RT)

Đông Nam Á

* Campuchia, Pakistan sẽ thúc đẩy hợp tác: Ngày 4/10, Thủ tướng Hun Manet đã tiếp Đại sứ Pakistan Zaheeruddin Babar Thaheem ở Cung Hòa bình, Phnom Penh.

Tại cuộc gặp, Đại sứ Babar Thaheem bày tỏ hy vọng quan hệ hợp tác Campuchia. Nhân dịp này, ông đã mời Thủ tướng Hun Manet thăm chính thức Pakistan và đề nghị thành lập Đại sứ quán Campuchia tại quốc gia này để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều cơ chế, đặc biệt để phục vụ hoạt động thương mại và kết nối nhân dân.

Đáp lại, Thủ tướng Hun Manet nhất trí với đề xuất lập Đại sứ quán Campuchia tại Pakistan, phù hợp với quan điểm cựu Thủ tướng Hun Sen, vốn đã đồng ý với đề xuất này. Theo ông, hai nước sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là thương mại, nông nghiệp, ngoại giao và quốc phòng.

Ngoài ra, tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Campuchia và Đại sứ Pakistan cũng trao đổi quan điểm về các lĩnh vực hợp tác khác, bao gồm vấn đề quốc phòng. (AKP)

Đông Bắc Á

* Nga: Nhật Bản không cung cấp đầy đủ thông tin về nước từ nhà máy Fukushima: Ngày 4/10, Moscow cho rằng, Tokyo đã không cung cấp thông tin đầy đủ về nước nhiễm xạ được thải ra từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của quốc gia Đông Bắc Á này, bất chấp Nga và Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao xứ sở bạch dương Maria Zakharova cũng nhấn mạnh, lo ngại sẽ được giảm bớt nếu đất nước mặt trời mọc ngừng xả thải ra biển.

Cuối tháng 9, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) thông báo sẽ thực hiện đợt thứ 2 xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, ngày 5/10 tới. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy, dự định sẽ xả 7.800 tấn nước thải đã qua xử lý trong đợt 2 này, tương ứng mức của đợt xả thứ nhất. Đợt 2 diễn ra trong 17 ngày. Công tác chuẩn bị cho đợt xả nước này được triển khai từ ngày 3/10 để xác định nồng độ tritium khi nước thải đã qua xử lý hòa loãng với nước biển. Đợt xả nước lần 1 bắt đầu từ ngày 24/8 tới ngày 11/9. (Reuters)

Trung Á

* Armenia chỉ trích Azerbaijan bắt giữ các thủ lĩnh Karabakh: Ngày 4/10, Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Armenia nêu rõ: “Chúng tôi chỉ trích mạnh mẽ việc Azerbaijan bắt giữ các nhà lãnh đạo của Nagorno-Karabakh… Cộng hòa Armenia sẽ thực hiện mọi bước có thể để bảo vệ quyền lợi của những đại diện bị bắt giữ một cách bất hợp pháp của Nagorno-Karabakh, kể cả tại các tòa án quốc tế”.

Trước đó Azerbaijan bắt giữ một số thủ lĩnh ly khai từ vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh sau khi Baku giành quyền kiểm soát khu vực ly khai này tháng trước.

Sau đó, phần lớn người Armenia ở Nagorno-Karabakh đã rời khỏi nơi đây. Chính quyền ly khai ở Nagorno-Karabakh đã đồng ý giải giáp, giải tán chính quyền và tái hòa nhập với Azerbaijan. Tuy nhiên, Tổng công tố Azerbaijan Kamran Aliyev cho biết, nước này bắt đầu thực hiện cuộc điều tra hình sự đối với tội ác của 300 quan chức ly khai – bao gồm cả tỷ phú và cựu quan chức Ruben Vardanyan.

Văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc đã kêu gọi Baku dành cho ông Vardanyan và những người bị giam giữ khác “sự tôn trọng và bảo vệ đầy đủ”. (AFP)

* Tổng thống Azerbaijan sẽ không dự thượng đỉnh EU: Ngày 4/10, hãng APA (Azerbaijan) đưa tin, Tổng thống nước này Ilham Aliyev quyết định không tham gia cuộc gặp tiềm năng với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra ở Tây Ban Nha vào ngày 5/10.

Dự kiến, quan chức hai nước này cùng Liên minh châu Âu (EU) sẽ dự một cuộc họp ở Granada, Tây Ban Nha, sau chiến dịch quân sự gần đây của Baku nhằm giành toàn quyền kiểm soát vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh. (APA)

* Tổng thống Nga sắp thăm chính thức Kyrgyzstan: Ngày 4/10, Kabar (Kyrgyzstan) dẫn lời một quan chức từ Văn phòng tổng thống nước này nêu rõ: “Theo lời mời của Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov vào ngày 12/10, Tổng thống Liên bang Nga sẽ có chuyến thăm chính thức tới đất nước chúng tôi”.

Truyền thông Nga đưa tin, ông Putin sẽ đến thăm căn cứ không quân Nga ở thành phố Kant, phía Đông thủ đô Bishkek, nhân dịp kỷ niệm 20 năm mở căn cứ này.

Ông Putin đã không rời khỏi Nga kể từ khi Tòa án hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague (Hà Lan) ban hành lệnh bắt giữ hồi tháng 3. Ông cũng hiếm khi rời Nga kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022. Lần gần đây nhất ông Putin ra nước ngoài là vào tháng 12 năm ngoái, khi ông đến thăm Kyrgyzstan và Belarus. (AFP)

Châu Âu

* Khả năng Ukraine gia nhập EU vào năm 2030: Ngày 4/10, trả lời tờ Spiegel (Đức), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nêu rõ: “Ukraine có thể gia nhập EU năm 2030 nếu hai bên hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Điều này đòi hỏi Ukraine và các ứng cử viên khác phải thực hiện cải cách, chống tham nhũng và tuân thủ các khuôn khổ pháp lý. Ông nói: “Ví dụ, các quốc gia Tây Balkan đã chờ đợi để gia nhập EU trong 20 năm và ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc đang gia tăng ở đó”, hối thúc các nước không nên lãng phí thời gian.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, EU phải đẩy nhanh quá trình ra quyết định, hiểu rõ ràng những gì các nước muốn cùng nhau đạt được, các ưu tiên và những gì họ nên chi tiền. Ông nhấn mạnh: “Thực tế cho thấy sự phản kháng của Nga càng chứng minh rằng, số phận của Ukraine là thuộc về EU. Trong tương lai gần nhất, không phải một ngày nào đó. Sau khi đưa ra quyết định, EU cũng sẽ chứng minh liên minh này có khả năng thực hiện các hành động địa chính trị”. (Sputnik)

* Nga: Châu Âu đã phản bội Armenia: Ngày 4/10, trả lời họp báo, đề cập vai trò của châu Âu với Armenia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: “Thoạt đầu, họ kêu gọi và hứa hẹn với Armenia và đơn giản là dụ giới chức Yerevan vào cái bẫy kế tiếp. Sau đó họ trở thành nhân chứng im lặng xem tình hình diễn tiến như thế nào”. Theo bà Zakharova, Brussels đã im lặng theo dõi lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga giúp đỡ đưa cư dân Nagorno-Karabakh đến Armenia và triển khai viện trợ nhân đạo đến khu vực.

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích: “Không chỉ làm thinh, Họ còn âm thầm kích động bằng cách kể lể cho cư dân Armenia nghe câu chuyện bịa đặt, cáo buộc Nga dường như đã phản bội Armenia. Không, đâu phải là Nga phản bội. Nga luôn ở bên, luôn ngăn chặn đổ máu ở khu vực này và luôn giúp đỡ về mặt tài chính, kinh tế và nhân đạo”. Theo bà, chính EU đã khuyên Yerevan từ chối thực hiện các thỏa thuận được thiết lập nhờ trung gian của Moscow. Quan chức ngoại giao Nga đã kết luận: “Chính EU đã phản bội người Armenia”. (Sputnik)

* Báo Mỹ: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hủy công du Tây Ban Nha: Ngày 4/10, Bloomberg (Mỹ) cho biết ông Recep Tayyip Erdogan sẽ không tới Tây Ban Nha, tham dự hội nghị của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) ngày 5/10, cũng như góp mặt tại cuộc hòa đàm dự kiến giữa quan chức Azerbaijan và Armenia. Lý do là lịch trình bận rộn của ông trước thềm cuộc họp của đảng cầm quyền ngày 7/10. Văn phòng tổng tống Thổ Nhĩ Kỳ từ chối bình luận về thông tin trên. (Bloomberg)

Châu Mỹ

* Ông McCarthy sẽ không tái tranh cử chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ: Ngày 4/10, tờ The Hill (Mỹ) cho biết sau khi bị phế truất, trong họp kín với thành viên đảng Cộng hòa tối ngày 3/10, Hạ nghị sĩ Kevin McCarthy đã thông báo với các đồng nghiệp đảng Cộng hòa rằng, ông sẽ không tái tranh chức Chủ tịch Hạ viện.

Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ không bỏ phiếu bầu lãnh đạo mới trong tuần này. Phe Cộng hòa sẽ tổ chức một diễn đàn cho các hạ nghị sĩ ứng cử chức Chủ tịch Hạ viện ngày 10/10 tới để các thành viên trong đảng lựa chọn dưới sự chủ trì của quyền Chủ tịch Hạ viện Patrick McHenry.

Hiện có một số cái tên được nêu ra thời gian gần đây như là phương án thay thế ông McCarthy, trong đó có Hạ nghị sĩ Steve Scalise của bang Louisiana, nhân vật số 2 và Hạ nghị sĩ Tom Emmer của bang Minnesota, nhân vật số 3 của đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Ngoài ra còn có Chủ tịch Hạ viện tạm quyền, Hạ nghị sĩ Patrick McHenry của bang North Carolina; Chủ tịch Ủy ban Quy tắc, Hạ nghị sĩ Tom Cole của bang Oklahoma và Hạ nghị sĩ Elise Stefanik của bang New York, nữ nghị sĩ duy nhất trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện. (The Hill)

* Nga nêu lý do ông McCarthy bị bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Mỹ: Ngày 4/10, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã đăng bài viết về “hai tin tốt cho chính quyền Kiev” trên kênh Telegram của mình.

Đầu tiên, ông Medvedev nêu ra thực tế là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng Ukraine sẽ gia nhập EU vào năm 2030. Ông Medvedev lưu ý: “Điều này có nghĩa là EU tin rằng chính quyền Ukraine hiện tại sẽ tồn tại cho đến lúc đó”.

Cựu Tổng thống Nga nói tiếp: “(Tin) thứ hai. Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, Chủ tịch Hạ viện đã từ chức. Điều này chính xác là vì tình yêu của ông ấy với Ukraine và những thỏa hiệp ngân sách để tài trợ cho chính quyền Kiev. Ông ấy nên tự hào khi đưa ra quyết định này”.

Đồng thời, ông Medvedev còn nhắc lại tuyên bố mới đây của Điều phối viên Chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ông John Kirby rằng nước này chỉ có đủ tiền để tài trợ cho Ukraine thêm hai tháng nữa. (TASS)

Trung Đông-châu Phi

* Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ: Ngày 4/10, Saudi Arabia thông báo sẽ tiếp tục tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 11 đến hết năm. Theo thông báo của Bộ Năng lượng nước này, sản lượng dầu mỏ các tháng 11, 12 sẽ chỉ còn khoảng 9 triệu thùng/ngày.

Saudi Arabia, quốc gia đóng vai trò đứng đầu trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), lần đầu tự nguyện cắt giảm bổ sung sản lượng dầu mỏ tháng 7/2003 và hàng tháng tiếp tục gia hạn kế hoạch cắt giảm. (Reuters)

* Israel bắt giữ 10 nghi can khủng bố tại Bờ Tây: Ngày 4/10, lực lượng an ninh Israel đã bố ráp tại nhiều địa điểm thuộc Bờ Tây, bắt giữ 10 nghi can, tịch thu nhiều vũ khí như súng trường M-16, lựu đạn, súng săn…

Theo Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), trong cuộc bố ráp do lực lượng này và Cơ quan An ninh nội địa Israel Shin Bet phối hợp tiến hành, các nghi can đã nổ súng chống trả song không gây ra thương vong.

Lực lượng an ninh Israel cũng đã giải tán các đám đông tụ tập phản đối. Những nghi can bị bắt giữ đã được chuyển giao cho cơ quan an ninh để tiến hành điều tra. (i24news)

Minh Vương