6 bệnh viện công nào tại Hà Nội, TPHCM, Huế nâng cấp ngang tầm quốc tế?

6 bệnh viện công nào tại Hà Nội, TPHCM, Huế nâng cấp ngang tầm quốc tế?

Bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua kém các nước

Trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, nâng cấp, xây dựng mới một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thành bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao, hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và quốc tế.

Trước đó, trong dự thảo quy hoạch, Bộ Y tế đề xuất 5 bệnh viện hạng đặc biệt được nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế. Như vậy, theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thêm 1 bệnh viện tại TPHCM được nâng cấp. Trong số 6 bệnh viện này có 5 bệnh viện đa khoa và 1 bệnh viện chuyên khoa.

Theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ ban hành, cả nước sẽ có 6 bệnh viện tại: Hà Nội, TPHCM và Thừa Thiên Huế được nâng cấp thành bệnh viện ngang tầm quốc tế, trong đó có 5 bệnh viện đa khoa và 1 bệnh viện chuyên khoa.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế cho biết, việc nâng cấp 6 bệnh viện nhằm giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam. Những bệnh viện này được đầu tư chuyên sâu kỹ thuật cao, hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và quốc tế.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh, bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua kém các nước khác, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến cuối, đầu ngành. Điển hình là các kỹ thuật về ghép bộ phận cơ thể người; Các kỹ thuật cao về thụ tinh ống nghiệm; Các công nghệ cao về làm răng sứ, răng giả; Điều trị đột quỵ; Mổ nội soi; Điều trị ung thư; Kỹ thuật mong mạch vành, mổ tim; Kỹ thuật thay khớp gối, khớp háng và các kỹ thuật cao khác về cơ xương khớp.

Cùng đó một trong những thế mạnh của y tế trong nước là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng điều trị nhiều chuyên khoa lại không thua kém các nước trong khu vực, trên thế giới…

“Sự phát triển về kỹ thuật y tế này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị. Tại một số bệnh viện lớn của nước ta thời gian qua đã thu hút nhiều người nước ngoài đến thăm khám, điều trị” – PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

GS. Ngô Chí Hiền, nhà khoa học gốc Việt Nam, nguyên Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt Đại học Western (Australia) là người có nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực y tế tại các quốc gia phát triển, đồng thời có gần 30 năm gắn bó chuyên ngành Răng Hàm Mặt của Việt Nam đánh giá, đến thời điểm này, có thể thấy trình độ phát triển của ngành Răng Hàm Mặt tại Việt Nam đã bắt kịp các nước trong khu vực. Đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam luôn có khát khao cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nâng cấp một số bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của nhân dân đến các dịch vụ y tế chuyên sâu

Quy hoạch này cũng nâng cấp một số bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng tại một số địa phương để cung ứng các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu cho người dân tại từng vùng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận đến các dịch vụ y tế chuyên sâu.

Bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng có nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các cơ sở y tế trong vùng, đảm nhận vai trò ứng phó cấp vùng khi có dịch bệnh, thảm họa.

Theo Quy hoạch này, định hướng phân bé không gian các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng như sau:

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang;
Vùng Đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hải Phòng;
Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa;
Vùng Tây Nguyên: Đắk Lắk;
Vùng Đông Nam Bộ: TPHCM;
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua kém các nước khác đặc biệt tại các bệnh viện tuyến cuối, đầu ngành… (Trong ảnh, các thầy thuốc của Bệnh viện Việt Đức đang thực hiện 1 ca ghép tạng).

Cũng theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, nâng cấp một số bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh thành bệnh viện đảm nhận chức năng vùng về ung bướu, tim mạch, sản/sản – nhi, lão khoa, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, truyền nhiễm để cung ứng các dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa sâu và hình thành một số trung tâm huyết học – truyền máu, trung tâm ghép tạng tại một số địa phương. Đối với những vùng chưa có hoặc khó khả thi trong việc phát triển bệnh viện chuyên khoa, ưu tiên phát triển các trung tâm chuyên khoa trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh.

Về định hướng phân bố không gian bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế như sau:

Chuyên khoa ung bướu: Phú Thọ, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ;
Chuyên khoa tim mạch: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ;
Chuyên khoa sản/sản – nhi: Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ;
Chuyên khoa lão khoa: Cần Thơ;
Chuyên khoa phục hồi chức năng: TPHCM;
Chuyên khoa y học cổ truyền: TPHCM, Nghệ An;
Chuyên khoa truyền nhiễm – nhiệt đới: Khánh Hòa, TPHCM;
Trung tâm máu: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, TPHCM, Cần Thơ;
Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ nâng cấp các bệnh viện trường đại học thành bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao, hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và quốc tế, nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật, đào tạo thực hành cho hệ thống các trường đại học khối ngành sức khỏe;

Khuyến khích phát triển các bệnh viện tư nhân đạt chứng nhận chất lượng cấp quốc tế thành bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Về y tế biển, đảo, nâng cấp các cơ sở y tế phù hợp với định hướng của Chương trình phát triển y tế biển, đảo, trong đó có một số bệnh viện của Bộ Quốc phòng.

Đối với các bệnh viện các ngành theo hướng tích hợp các bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành.

Bài và ảnh Thái Bình