Ấn Độ: Bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu

Ấn Độ: Bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu

Tại đây, nhiều hoạt động ý nghĩa thuộc hai phiên thảo luận học thuật (academic) và Tăng đoàn (Sangha) cũng đã diễn ra sôi nổi và đem lại nhiều giải pháp cho các vấn đề của Phật giáo đương đại.

Hội nghị với sự tham dự của hơn 350 đại biểu quan trọng từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia thảo luận về chủ đề “Đối phó với các thách thức đương đại từ triết học đến thực tiễn”. Trong đó, các vấn đề được quan tâm bao gồm Phật giáo và hòa bình, khủng hoảng môi trường, sức khỏe và tính bền vững, hành hương Phật giáo, giữ gìn các di tích Phật giáo, bảo tồn truyền thống Phật giáo Nalanda và thách thức đối với Tăng đoàn thời hiện đại.

Ngày cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo toàn cầu, 21-4, được tổ chức tại Khách sạn Ashok, New Delhi, Ấn Độ

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu lần này, Đức Dalai Lama đã quang lâm và chia sẻ về các giá trị của lòng từ bi, trí tuệ vô ngã và thiền định trong xã hội hiện đại. “Nhiệm vụ của những người con Phật là nỗ lực tu tập đức tính từ bi và trí tuệ giống như Đức Phật đã giáo huấn. Sự can đảm đến từ lòng trắc ẩn sẽ giúp bạn biến nghịch cảnh thành cơ hội…”, ngài khuyến tấn hội chúng. Ngoài ra, ngài cũng cho biết thêm rằng nếu mỗi người chúng ta nghiêm túc thực hành lời dạy của Đức Phật, “chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt trong cuộc sống hàng ngày của mình”.

Trong bài phát biểu cảm tạ của mình, Shartse Khensur Jangchup Choeden, Phó Tổng Thư ký của tổ chức IBC đã gửi lời tri ân đến các học giả, nhà lãnh đạo tinh thần của tất cả các truyền thống Phật giáo từ các nơi trên thế giới đã đến tham dự sự kiện trọng đại này. Đặc biệt, Phó Tổng Thư ký đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đức Dalai Lama vì đã quang lâm và chia sẻ một bài pháp thực sự quý giá đến những người tham dự.

Cũng trong ngày thứ hai của hội nghị, nhiều vị diễn thuyết đến từ các quốc gia khác nhau như Nepal, Cộng hòa Séc, Mông Cổ, Nga, Malaysia,… đã trình bày bài tham luận của mình về các chủ đề về sự phát triển và thách thức của Tăng đoàn ở các nước và truyền thống Nalanda lịch sử. Nhìn chung, các cuộc thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo lần này đã khám phá các giá trị cơ bản của Phật giáo nhằm tìm kiếm nguồn cảm hứng và các giải pháp đối với môi trường cũng như xã hội đương đại.

Vào cuối ngày, với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao của Ấn Độ và đông đảo các đại biểu quốc tế, Thượng tọa – Tiến sĩ Dhammapiya, Tổng Giám đốc của Liên đoàn Phật giáo Quốc tế đã phát biểu tổng kết và cảm tạ đến toàn thể hội nghị.

“Nhiệm vụ của những người con Phật là tu tập đức tính từ bi và trí tuệ giống như Đức Phật đã giáo huấn” là thông điệp mà Đức Dalai Lama gửi đến Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu

Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Toàn cầu kéo dài hai ngày diễn ra trong 2 ngày 20 và 21-4-2023 do Bộ Văn hóa phối hợp với Liên đoàn Phật giáo Quốc tế tổ chức. Đây là một nỗ lực của chính phủ Ấn Độ nhằm thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo Phật giáo toàn cầu và các học giả với mong muốn giải quyết các vấn đề cấp thiết của nhân loại thông qua Phật giáo, đồng thời đưa ra một mô hình bền vững cho tương lai của thế giới.

Được biết, trước đó, Ấn Độ đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tương tự dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), với nội dung xoay quanh vai trò của Ấn Độ trong lịch sử Phật giáo và tương lai của Ấn Độ như một điểm đến du lịch, hành hương và ngoại giao. Khi đại dịch Covid-19 không còn đáng lo ngại như trước, các nhà lãnh đạo Phật giáo và chính trị ở Ấn Độ hy vọng sẽ mở rộng vai trò của quốc gia này như một trung tâm toàn cầu về việc trao đổi du lịch tâm linh và trí tuệ.

Mani tổng hợp