Ba ưu tiên của hợp tác Mê Kông – Lan Thương

Ba ưu tiên của hợp tác Mê Kông – Lan Thương

Tham dự hội nghị có Thủ tướng, trưởng đoàn các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo đánh giá trong 3 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng 6 nước vẫn triển khai tích cực và hiệu quả Kế hoạch hành động MLC giai đoạn 2018 -2022, nhất là trong 5 lĩnh vực ưu tiên (gồm kết nối, năng lực sản xuất, kinh tế xuyên biên giới, quản lý nguồn nước, nông nghiệp và giảm nghèo).

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Kông – Lan Thương lần thứ tư được tổ chức trực tuyến. Ảnh: NHẬT BẮC

Về định hướng thời gian tới, các nhà lãnh đạo nhất trí nghiên cứu mở rộng sang các lĩnh vực mới, thúc đẩy hợp tác theo hướng chất lượng cao, hiện đại hóa, tạo động lực mới cho hợp tác tiểu vùng, hỗ trợ các nước phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Hội nghị thống nhất cùng xây dựng Vành đai phát triển kinh tế Mê Kông – Lan Thương; thúc đẩy Hành lang Đổi mới sáng tạo Mê Kông – Lan Thương; chuyển đổi năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh ưu tiên hợp tác quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước sông Mê Kông.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 nội dung ưu tiên của MLC trong giai đoạn tới. Thứ nhất, xây dựng khu vực Mê Kông – Lan Thương hiện đại và phát triển.

Theo đó, hợp tác Mê Kông – Lan Thương cần đưa đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trở thành trọng tâm hợp tác; đẩy mạnh chuyển đổi số; khuyến khích sự tham gia của các đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp; hợp tác về giao thông, nhất là kết nối đường sắt cao tốc, nghiên cứu cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ.

Thứ hai, xây dựng khu vực Mê Kông – Lan Thương xanh, bền vững và bao trùm; cụ thể là tăng cường bảo tồn môi trường sinh thái toàn khu vực, phòng chống thiên tai, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững, công bằng và hợp lý dòng sông chung Mê Kông – Lan Thương, đặc biệt là không làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông. Thứ ba, xây dựng khu vực Mê Kông – Lan Thương hòa bình và hợp tác.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw, Kế hoạch hành động hợp tác Mê Kông – Lan Thương giai đoạn 2023-2027 và Sáng kiến Hành lang đổi mới sáng tạo Mê Kông – Lan Thương.

Dương Ngọc