Báo động từ những chiếc xe tải độ chế

Báo động từ những chiếc xe tải độ chế

Một trường hợp xe container cắt nóc bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: Phạm Công

Theo nguồn tin của Kinh tế & Đô thị, đang có một cuộc chạy đua sôi động, trang bị biến hình cho xe container để chở quá tải, hòng qua mắt lực lượng chức năng.
Phát lộ nhiều vi phạm
Rạng sáng ngày 1/4, hai chiếc xe container được độ chế bộ ben nâng, cắt nóc, chở đá dăm đã bị BCĐ 197 TP Hà Nội vây bắt, xử phạt nặng trên tuyến QL21B và đường trục phía Nam (tỉnh Hà Tây cũ). Đó đều là xe mang thương hiệu Công ty TNHH Thắng Lan (tỉnh Hà Nam) với logo “123” dán trước đầu xe.
Sau tiếng pháo hiệu đầu tiên của BCĐ 197 TP, Đội CSGT số 11, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã phát hiện và xử lý được một xe “đột biến gen” khác chở cát trên tuyến Đại lộ Thăng Long. Đêm ngày 11/4, Hai đội CSGT số 6 và số 7 của Hà Nội tiếp tục phát hiện xử phạt một xe container cắt nóc chở tinh bột sắn, một xe chở xi măng; cả hai đều quá tải trên 100%.

Đại diện Phòng CSGT, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, trong ít ngày qua đã vây bắt được 3 xe container cắt nóc trên tuyến QL21A. Tất cả đều chở quá tải trọng từ 100 – 300%; có xe bị xử phạt hành chính lên đến 204 triệu đồng. “Ngoài chở đá còn có cả xe tải “đột biến gen” chở than từ Quảng Ninh lên cung cấp cho một số lò gạch thủ công.

Thực tế đó cho thấy loại hình xe container cắt nóc đang được nhiều DN tại một số địa phương sử dụng nhằm qua mắt lực lượng chức năng” – Vị đại diện Phòng CSGT, Công an tỉnh Hòa Bình thông tin. Để tăng cường hiệu quả xử lý, truy quét xe tải “đột biến gen”, Công an tỉnh Hòa Bình đã tăng cường thêm 21 cán bộ, chiến sĩ cho các chốt trực dọc tuyến QL21A.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, thời gian qua rất nhiều xe container cắt nóc từ các tỉnh: Hà Nam, Hòa Bình, Quảng Ninh… đang trở thành lực lượng vận chuyển chính của nhiều DN. Nguyên do là xe chở được tải trọng lớn, tiết kiệm chi phí, nâng cao lợi nhuận. Một số tuyến đường hoạt động chủ yếu của xe tải “đột biến gen” gồm: QL21A, Đại lộ Thăng Long, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, QL2, QL3… đang trở thành điểm nóng về xe quá khổ, quá tải. Đó là hồi chuông báo động cho Hà Nội.

Kinh tế & Đô thị cũng đã gửi câu hỏi bằng văn bản đến Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội về việc để lọt xe tải “đột biến gen” qua địa bàn rất nhiều đội CSGT như số: 8, 10, 11, 14, 15… Tuy nhiên, đại diện Phòng CSGT cho hay: “Chưa biết khi nào mới có thể trả lời, thông tin đến dư luận”.

Trong khi đó, nhiều DN vận tải hàng hóa đang lâm vào cảnh khó khăn, chật vật từ khi loại hình container cắt nóc xuất hiện. Một DN vận tải hàng hóa tại huyện Chương Mỹ (xin giấu tên) cho biết: “Mỗi chuyến xe container cắt nóc có thể chở khối lượng gấp 5 – 6 lần xe tải thường, nên họ có thể hạ giá cước, giá vật liệu, cạnh tranh khốc liệt với xe tải ben.

Chúng tôi đang bị cuốn vào cuộc đua. Chở quá tải thì vi phạm pháp luật, mà đúng tải thì mất khách, lỗ vốn. Thực tế cho thấy, nếu tiếp tục để xe tải “đột biến gen” lộng hành, Hà Nội sẽ bùng nổ cuộc chạy đua xe quá tải mới với nhiều thách thức, khó khăn hơn cho lực lượng chức năng.
Phải xử lý tận gốc

Thời gian gần đây những chiếc xe container cắt nóc để chở hàng quá tải. Ảnh: Phạm Công

Hiện vẫn chưa có cơ quan chức năng nào phát hiện xe tải “đột biến gen” bốc xếp hàng hóa trên địa bàn Hà Nội. Nhưng ghi nhận của Kinh tế & Đô thị cho thấy, hàng loạt nhà máy xi măng, trạm trộn bê tông… hoạt động sản xuất trên địa bàn TP là “điểm đến” của xe container cắt nóc. Ví dụ như trạm trộn bê tông Việt Đức tại xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh; trạm trộn bê tông Petrolimex tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên; hay nhà máy xi măng Nam Sơn, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ…

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Muốn ngăn ngừa xe quá tải phải kiểm soát hai đầu xếp – dỡ hàng hóa. Từ mỏ các xe đã thoải mái bốc hàng quá tải, đến nơi nhận hàng cũng bất chấp vi phạm để tiếp nhận chứng tỏ công tác kiểm soát tải trọng đã để hổng khâu đầu tiên và cuối cùng quan trọng nhất”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc xử phạt xe tải “đột biến gen” còn phải xem xét trách nhiệm của các đơn vị cung cấp và tiếp nhận hàng, đặc biệt là nơi bốc xếp. Bởi mỗi xe container cắt nóc đều được cân và có vận đơn ghi rõ khối lượng trước khi ra khỏi nơi bốc hàng. Mặt khác, Bộ Công an cần chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với những địa phương đã ghi nhận hiện tượng xe tải “đột biến gen” như Hòa Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Nam điều tra làm rõ việc độ chế xe container, cũng như công tác kiểm định kỹ thuật hiệu quả đến đâu mà để lọt xe vi phạm ra đường(?).

Theo nguồn tin của Kinh tế & Đô thị, giá thành cải tạo một chiếc xe container thường thành xe tải “đột biến gen” lên đến cả trăm triệu đồng, nhưng các chủ xe sẵn sàng chi trả, bởi nguồn lợi thu về quá lớn, chỉ trong thời gian rất ngắn có thể bù đủ chi phí ban đầu và sinh lợi.

Đối với trật tự, ATGT, xe container cắt nóc thực sự là một hiểm họa lớn. Dù tải trọng toàn bộ hàng trăm tấn, nhưng sau khi được độ chế, xe tải “đột biến gen” này có thể chạy với tốc độ cao trên nhiều loại địa hình đường sá. Ví dụ như dọc theo lộ trình QL21A – TL429 – QL21B, dù đường khá nhỏ hẹp, xe container cắt nóc chất đầy hàng vẫn có thể chạy với tốc độ lên đến 90km/giờ, vượt hàng loạt đèn đỏ. Với tốc độ và trọng lượng như vậy, nếu xảy ra va chạm, gần như chắc chắn những chiếc xe này sẽ gây thương vong thảm khốc cho người tham gia giao thông.

Phạm Công – Đặng Sơn