Bất cập phòng không nhìn từ xung đột Nga-Ukraine, Israel-Iran

Bất cập phòng không nhìn từ xung đột Nga-Ukraine, Israel-Iran

Cuộc tập kích tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran nhằm vào Israel dù đã bị Israel ngăn chặn nhưng đây cũng là một hồi chuông cảnh báo về việc thiếu hệ thống phòng không trước những cuộc tấn công hỗn hợp như vậy, theo tờ The Wall Street Journal.

Thế khó của phòng không

Trong những năm gần đây, các nước trên thế giới đã chuyển sang tăng cường phòng không do lo ngại cuộc chiến của Nga với Ukraine, về căng thẳng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và xung đột gần đây ở Trung Đông.

Tuy nhiên, các công ty sản xuất hệ thống phòng không đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và các nước đặt hàng công nghệ này đang mỏi mòn vì phải đợi lâu và chật vật với chi phí cao.

Các hệ thống phòng không và tên lửa đi kèm thường mất nhiều thời gian để chế tạo và có giá cao hơn nhiều so với các mục tiêu mà chúng nhắm tới, đặc biệt là trong trường hợp bắn UAV.

Cuộc tấn công của Iran vào Israel ngày 13-4 đáng chú ý về mặt quy mô khi Iran nã hơn 120 tên lửa đạn đạo, hơn 30 tên lửa hành trình và khoảng 170 UAV.

Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel đánh chặn rocket phóng từ Gaza vào năm ngoái. Ảnh: AFP

Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Israel đã đánh chặn hầu hết các tên lửa đạn đạo bằng hệ thống phòng không Arrow. Khoảng 4 đến 6 tên lửa đã bị các tàu khu trục Mỹ bắn hạ và 1 tên lửa bị hệ thống phòng không Patriot của Mỹ đánh chặn. Máy bay chiến đấu của Mỹ đã bắn hạ hầu hết UAV, còn một số khác bị máy bay Anh, Pháp và Israel phá hủy.

Israel ngăn được đợt tấn công của Iran là nhờ hệ thống phòng không đa lớp và phức tạp của nước này cùng sự hỗ trợ của Mỹ cũng như các đối tác phương Tây và Ả Rập. Tuy nhiên, các nhà phân tích quốc phòng cho rằng Israel có thể sẽ gặp khó khăn nếu phải đối mặt với nhiều làn sóng tấn công, như Ukraine đã trải qua trong hơn 2 năm chiến tranh với Nga.

Ông Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho rằng: “Israel dường như làm khá tốt, nhưng nhược điểm là nước này đã dùng lượng lớn tên lửa đánh chặn. Chắc chắn rằng việc thiếu tên lửa đánh chặn sẽ là một vấn đề”.

Trong vài năm qua, Ukraine chủ yếu dựa vào thiết bị do phương Tây cung cấp để đánh chặn hơn 2.000 tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và các loại tên lửa khác, cũng như khoảng 5.500 UAV Shahed do Iran sản xuất. Tuy nhiên, tỉ lệ đánh chặn của Kiev đã giảm do hết tên lửa. Chính vì lý do này, Ukraine gần đây liên tục phải hứng chịu thương vong, thiệt hại lớn, và lãnh đạo Ukraine ngày càng khẩn thiết cầu cứu phương Tây viện trợ công cụ phòng không.

Mảnh vỡ từ tên lửa Nga do Ukraine đánh chặn ở thủ đô Kiev vào tháng trước. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, phương Tây không còn số lượng lớn tên lửa và hệ thống phòng không để cung cấp cho Ukraine. Với Mỹ, hiện đã có một danh sách dài các nước đặt hàng chờ giao hệ thống phòng không Patriot. Các hệ thống này cũng không hề rẻ. Mỗi khẩu đội Patriot, có thể được trang bị 32 tên lửa, có giá khoảng 1 tỉ USD.

Ví dụ, Thụy Sĩ đã đặt hàng 5 khẩu đội Patriot vào năm 2022, nhưng phải mất 6 năm thì hệ thống đầu tiên mới được giao và một năm nữa trước khi nó đi vào hoạt động.

Theo ông Yehoshua Kalisky, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia có trụ sở tại Israel, chi phí để Israel ngăn chặn khoảng một nửa tên lửa, UAV của Iran trong đợt tấn công ước tính khoảng 550 triệu USD.

Các quan chức phương Tây lo ngại rằng chi phí sẽ tăng lên khi họ phải bắn hạ những UAV rẻ tiền bằng tên lửa trị giá hàng triệu USD, và chi phí đó sẽ tăng lên nếu đối thủ sử dụng hàng loạt UAV.

Nga đã áp dụng chiến lược này – bắn UAV tầm xa vào các thành phố của Ukraine để Ukraine chống trả bằng tên lửa phòng không vốn đã ít ỏi. Các sĩ quan Ukraine phàn nàn rằng họ thiếu thiết bị để ngăn chặn các đợt tấn công liên tục của UAV ở tiền tuyến.

Giải pháp khắc chế làn sóng UAV

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ muốn tăng cường đáng kể việc sản xuất hệ thống phòng thủ chống UAV, đồng thời thừa nhận rằng việc bắn tên lửa trị giá hàng triệu USD để hạ gục UAV giá chỉ vài nghìn USD sẽ không bền vững, theo The Wall Street Journal.

Cạnh đó, những UAV cỡ nhỏ, vốn đóng vai trò lớn trên chiến trường Ukraine, đặt ra những thách thức đặc biệt cho các hệ thống phòng thủ truyền thống vì chúng rất khó bị phát hiện.

Mỹ đã gửi cho Ukraine 3 hệ thống phòng không Patriot nhưng Ukraine nói rằng cần 25 hệ thống mới đủ phòng thủ. Ảnh: ZUMA PRESS

Các quan chức quân sự và công nghiệp quân sự cho biết vẫn chưa có giải pháp kỹ thuật tốt để chống lại hàng đàn UAV rẻ tiền.

Lâu nay lực lượng Mỹ chủ yếu dựa vào hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên tàu để bảo vệ tàu của họ và tàu thương mại ở Biển Đỏ, cũng như hệ thống pháo cận chiến có trang bị súng máy Phalanx để bắn hạ UAV.

Mỹ và Israel hiện đang thử nghiệm các hệ thống chống UAV bằng vi sóng và laser do các công ty tư nhân phát triển, có thể bắn liên tục miễn là chúng có năng lượng. Về lý thuyết, điều này sẽ cho phép hệ thống hạ gục một làn sóng UAV mà không hết đạn.

Epirus, công ty khởi nghiệp của Mỹ chuyên về vũ khí vi sóng công suất cao, cho biết họ có thể đưa một số hệ thống của công ty vào sử dụng ở Trung Đông vào mùa hè này và 10 hệ thống vào cuối năm nay nếu Quân đội Mỹ cho phép.

Công ty Raytheon, một trong những công ty quốc phòng lớn nhất của Mỹ, đã có một hợp đồng quân sự với chính phủ về hệ thống chống UAV vi sóng công suất cao, với những nguyên mẫu đầu tiên dự kiến được giao vào năm tới.

Dù những hệ thống mới này chưa được thử nghiệm trên chiến trường và có phạm vi hoạt động hạn chế, nhưng những người ủng hộ công nghệ này cho biết chúng mang lại khả năng phòng thủ tốt nhất trước những làn sóng UAV.

ĐỨC HIỀN