Bầu chọn Tổng thư ký NATO: Cuộc đua chưa ngã ngũ

Bầu chọn Tổng thư ký NATO: Cuộc đua chưa ngã ngũ

Từ trái sang: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen – một ứng viên tiềm năng tại một cuộc họp báo tại trụ sở NATO. (Nguồn: ANADOLU AGENCY)

Sau khi Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg – cựu Thủ tướng Nauy, người đã giữ vị trí này từ tháng 10/2014 với 2 lần gia hạn – tuyên bố rời ghế vào cuối tháng 9/2023, cuộc đua tìm người thay thế ông đã nóng lên từng ngày. Các thành viên NATO muốn tìm được một gương mặt mới thay thế ông Stoltenberg trước khi Thượng đỉnh của khối diễn ra ở Lithuania vào tuần tới.

Bối cảnh và truyền thống

Thế nhưng, sau rất nhiều kịch bản được đưa ra và những đồn đoán ở hậu trường, 31 quốc gia thành viên NATO vẫn không thể đạt được đồng thuận trong việc chọn ra một nhân vật phù hợp để tiếp quản chiếc ghế Tổng thư ký NATO cho nhiệm kỳ mới bắt đầu vào ngày 1/10/2023.

Khác với bối cảnh trong các cuộc đua trước, việc tìm kiếm người vào vị trí người đứng đầu NATO lần này diễn ra trong bối cảnh liên minh quân sự này đang phải đối mặt với hai bài toán rất hóc búa: vừa phải duy trì đoàn kết để tiếp tục hỗ trợ Ukraine vừa phải tránh không để xung đột Nga-Ukraine leo thang có thể kéo cả liên minh tham gia trực tiếp vào cuộc chiến.

Không có quy trình chính thức nào được NATO đặt ra cho việc chọn người tiếp quản ghế Tổng thư ký. Theo truyền thống của tổ chức này, người được chọn phải có được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên. Quy trình này thường diễn ra thông qua các kênh ngoại giao không chính thức, vì thế, “sự đồng thuận” này luôn tiềm ẩn những tranh cãi.

Ví dụ, vào năm 2009, ông Anders Fogh Rasmussen, cựu Thủ tướng Đan Mạch được hầu hết các thành viên lựa chọn làm Tổng thư ký của khối nhưng lại vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thư ký NATO có nhiệm kỳ 4 năm, là người chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động của khối, lãnh đạo nhân viên quốc tế và cũng là Người phát ngôn của liên minh. Tổng thư ký chủ trì một số cơ quan ra quyết định cấp cao như Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, Ủy ban Kế hoạch Quốc phòng, Ủy ban Kế hoạch Hạt nhân và hầu hết các ủy ban lớn của liên minh.

Tuy nhiên, chức danh Tổng thư ký không phải là Chỉ huy tối cao các lực lượng đồng minh và cũng không phụ trách Ủy ban quân sự NATO. Hai cơ chế quân sự quan trọng bậc nhất của khối mà theo truyền thống thì do một người Mỹ đứng đầu.

Mặc dù, không có điều khoản nào trong Hiến chương của NATO ngăn cản một người Canada hoặc người Mỹ hay bất cứ quốc gia thành viên NATO nào trở thành Tổng thư ký. Thế nhưng có một thông lệ kể từ khi NATO ra đời đến nay, vị trí người đứng đầu luôn dành cho một người đến từ các thành viên châu Âu còn người đứng đầu Ủy ban quân sự NATO do một người Mỹ nắm giữ.

Những điều kiện cho sự đồng thuận

Theo phân tích của Foreign Policy khi cuộc đua đang diễn ra gay cấn, những ứng viên có thể được chọn cho vị trí Tổng thư ký mới phải là người từng là nguyên thủ, thủ tướng hoặc chí ít phải là bộ trưởng quốc phòng hay ngoại trưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, một tiêu chí không kém phần quan trọng mà các nước thành viên NATO đề ra cho các ứng viên là yếu tố giới tính và quốc tịch.

Nếu xét theo tiêu chí chức vụ từng đảm nhận và là nữ, thì các nước thành viên như Hy Lạp, Luxembourg hoặc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị loại ngay từ đầu bởi trong nhiều thập kỷ qua, các quốc gia này không có bất kỳ phụ nữ nào được bầu vào vị trí tương tự.

Các thành viên khác như Na Uy, Đan Mạch, Iceland, Mỹ, Canada, Anh, Albania, Montenegro và Macedonia cũng không thể đáp ứng các tiêu chí đề ra cho lần tranh cử này. Tổng thư ký đương nhiệm hiện là người Na Uy trong khi người tiền nhiệm là cựu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen. Do đó, có thể loại bỏ hai ứng viên Na Uy và Đan Mạch ra khỏi danh sách. Đối với Iceland, một thành viên của Liên minh với vị thế đặc biệt (không có quân đội), trong bối cảnh “Chiến tranh Lạnh mới” hiện nay, thì việc một ứng cử viên người Iceland được chọn là điều khó xảy ra, dù Iceland có khá nhiều nữ chính trị gia từng giữ các chức vụ cao.

Còn các ứng viên đến từ Mỹ và Canada cũng không được chú ý bởi lý do cơ cấu các vị trí quyền lực trong NATO mặc dù hai nước này rất nhiều nữ chính trị gia phù hợp. Đối với Mỹ thì trừ khi một sĩ quan quân đội của châu Âu được bổ nhiệm làm Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh châu Âu (SACEUR), còn không thì việc chọn ra một Tổng thư ký NATO người Mỹ là điều chưa có tiền lệ. Sự phân bổ này cũng giải thích tại sao việc ứng viên Phó Thủ tướng Canada hiện tại Chrystia Freeland cũng không thể được chọn.

Đối với các ứng viên đến từ Vương quốc Anh là cựu Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cũng không hợp lý vì cả hai đều là nam giới và những sai lầm trong quá khứ của ông Johnson khi còn ở số 10 phố Downing. Cựu Thủ tướng Theresa May có thể đã được cân nhắc nhưng điều này cũng khó xảy ra vì liên quan đến vị trí Phó Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh châu Âu (DSACEUR) hiện đang do một người Anh nắm giữ. Mà theo truyền thống của NATO, một quốc gia không thể nắm giữ cùng lúc cả Tổng thư ký và lãnh đạo DSACEUR. Bên cạnh đó, việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu cũng là một lý do để các thành viên NATO loại bỏ các ứng viên đến từ nước Anh.

Cựu Thủ tướng Anh Theresa May có thể được cân nhắc cho vị trí ứng viên của ghế Tổng thư ký NATO. (Nguồn: Getty Images)

Trong khi đó, các ứng viên đến từ các quốc gia châu Âu còn lại như Ba Lan, Estonia, Latvia, Litva, Slovenia và Croatia đều rất tiềm năng. Tuy nhiên, việc chọn một chính trị gia đến từ các quốc gia khu vực Baltic trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine sẽ là một “tín hiệu mạnh” đối với Moscow. Bên cạnh đó, việc chọn một người Croatia hoặc một người Slovenia khá “rủi ro” bởi liên quan đến những căng thẳng hiện tại ở khu vực Balkan giữa Serbia với Bosnia và Herzegovina.

Ví dụ, trong trường hợp căng thẳng leo thang ở Balkan đòi hỏi sự can thiệp của NATO, thì nguồn gốc Slovenia hoặc Croatia của Tổng thư ký NATO có thể trở thành bất lợi và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của NATO trong khu vực, bất kể tính đúng đắn và phù hợp của các hành động được thực hiện bởi liên minh. Do đó, khó có khả năng một trong số những ứng viên đến từ các quốc gia này được lựa chọn để thay thế ông Stoltenberg.

Cuối cùng, Tổng thư ký NATO tiếp theo có thể được lựa chọn từ một trong các quốc gia là Bỉ, Bulgaria, Czech, Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia hoặc Tây Ban Nha. Tại các quốc gia này, có không dưới 30 phụ nữ đã nắm giữ các vị trí cấp cao trong thập kỷ qua, phù hợp với tiêu chí chức vụ.

Tuy nhiên, đa số trong các ứng viên này sẽ nhanh chóng bị loại bởi họ chỉ tại vị trong vài tháng, chẳng hạn như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Czech Karla Šlechtová và Christine Lambrecht của Đức chỉ tại vị được 18 tháng hoặc ít hơn. Trong khi đó, một số ứng viên lại từng phải đối mặt với những vụ bê bối khiến họ phải chấm dứt sự nghiệp chính trị như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha María Dolores de Cospedal và cựu Thủ tướng Romania Viorica Dăncilă.

Trong danh sách này, có hai phụ nữ Đức có thể là ứng cử viên phù hợp là Chủ tịch Ủy ban châu Âu hiện tại Ursula von der Leyen và cựu Thủ tướng Angela Merkel. Tuy nhiên, trước những lời chỉ trích gần đây về tình trạng hiện tại của quân đôi Đức và những sai lầm của bà Markel đối với Nga, sẽ là ngạc nhiên nếu NATO lựa chọn bà Merkel vào chiếc ghế thủ lĩnh NATO.

Trong trường hợp của bà Ursula von der Leyen, nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban châu Âu của bà sẽ kết thúc vào đầu năm 2024, vài tháng sau khi nhiệm kỳ Tổng thư ký NATO thứ hai của ông Stoltenberg kết thúc. Do đó, các nước thành viên EU cũng không thể bầu một người tạm thời thay cho vị trí bà đang nắm giữ để bà có thể chạy đua vào vị trí người đứng đầu NATO.

Như vậy, việc lựa chọn Tổng thư ký tương lai của NATO trong thời gian nước rút sẽ chỉ còn tập trung vào ba người có khả năng cao ngồi vào chiếc ghế này. Đó là đương kim Tổng thống Slovakia Zuzana Čaputová, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis- Plasschaert và cựu Ngoại trưởng Italy và hiện là Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, bà Federica Mogherini.

Giữ nguyên trạng là giải pháp lúc này

Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi, cân nhắc ở hậu trường, việc lựa chọn một trong ba ứng viên tiềm tàng nhất là bà Zuzana Čaputová, bà Federica Mogherini hoặc bà Jeanine Hennis-Plasschaert cũng không phù hợp trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là đối đầu giữa NATO và Nga vẫn đang gia tăng và có chiều hướng thay đổi khó đoán định.

Tổng thống Slovakia Zuzana Čaputová (trái) đón Tổng thống Ukraine trong chuyến thăm Bratislava ngày 7/7. (Nguồn: TASR)

Bởi thế, ngày 4/7 vừa qua, các nước thành viên NATO đã đi đến quyết định gia hạn nhiệm kỳ của Tổng thư ký đương nhiệm Jens Stoltenberg thêm một năm nữa. Đây là lần thứ 3 nhiệm kỳ của ông Jens Stoltenberg được gia hạn, mặc dù nhà lãnh đạo nhiều kinh nghiệm này từng tuyên bố hồi tháng Hai rằng ông không tìm cách kéo dài nhiệm kỳ của mình.

Ghế Tổng thư ký NATO có nhiệm kỳ thường là 4 năm. Nhưng trong trường hợp không đạt được đồng thuận, thì NATO có thể gia hạn thêm cả nhiệm kỳ hoặc một thời gian nhất định. Ông Stoltenberg năm nay 64 tuổi, từng được gia hạn thêm nhiệm kỳ 4 năm vào năm 2018 do những tranh cãi giữa các thành viên vào thời điểm đó. Nhưng khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 9/2022, cuộc xung đột ở Ukraine khiến ông Stoltenberg tại vị tiếp một năm, đến 31/9/2023. Và với lần gia hạn thứ 3 này, ông Stoltenberg sẽ có tổng thời gian nắm giữ ghế Tổng thư ký NATO là 10 năm và nếu không có gì thay đổi, ông sẽ kết thúc vào 30/9/2024.

Giới quan sát đánh giá việc ông Stoltenberg tiếp tục tại nhiệm giúp NATO duy trì bộ máy lãnh đạo ổn định giữa giai đoạn có nhiều thử thách, đặc biệt trong bối cảnh NATO cần một nhà lãnh đạo kinh nghiệm khi chiến tranh đang ở trước ngưỡng cửa thay vì tìm kiếm đồng thuận cho một nhà lãnh đạo mới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước thành viên NATO đã lên tiếng hoan nghênh quyết định này của NATO. Tổng thống Joe Biden tuyên bố, “với khả năng lãnh đạo kiên định, kinh nghiệm và tài phán đoán của mình, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã đưa liên minh vượt qua những thử thách quan trọng nhất đối với châu Âu kể từ sau Thế chiến II”.

Đức Trí