Binh sĩ Nga dùng tên lửa chống tăng bắn hạ ‘xe tăng bay’ Mi-24

Binh sĩ Nga dùng tên lửa chống tăng bắn hạ ‘xe tăng bay’ Mi-24

Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày đi vào trang bị trong không quân Liên Xô, nhưng những chiếc trực thăng tấn công hạng nặng Mi-24 biệt danh “xe tăng bay” vẫn cực kỳ đáng sợ trong tác chiến hiện đại.

Trực thăng tấn công Mi-24 biệt danh “xe tăng bay” là loại khí tài được cả Nga và Ukraine sử dụng trong xung đột tại Đông Âu.

Mới đây truyền thông Nga đưa tin, binh sĩ nước này đã dùng tên lửa chống tăng để bắn hạ trực thăng tấn công Mi-24 của Ukraine.

Được biết, sự việc diễn ra tại gần làng Rabotino, vùng Zaporozhye, trong bối cảnh giao tranh dữ dội trong khu vực.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên sử dụng thành công tên lửa diệt tăng chống lại các mục tiêu trên không. Một sự kiện tương tự xảy ra vào mùa xuân năm 2014, khi lực lượng dân quân Zaporozhye bắn hạ một máy bay trực thăng của Ukraine tại vùng Donbass.

Việc tiêu diệt trực thăng quân sự của đối phương bằng tên lửa chống tăng thể hiện trình độ huấn luyện cao và khả năng thích ứng của binh sĩ Nga với các điều kiện thay đổi trên chiến trường.

Việc sử dụng tên lửa diệt tăng để chống lại các mục tiêu trên không nhấn mạnh tính linh hoạt và hiệu quả của vũ khí hiện đại trong tay các binh sĩ giàu kinh nghiệm chiến đấu.

Hiện phía Ukraine chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của truyền thông Nga.

Trực thăng tấn công Mi-24 được Liên Xô phát triển vào cuối thập niên 1960 và đi vào trang bị trong không quân Liên Xô vào năm 1972.

Mi-24 hiện thuộc biên chế của gần 48 quốc gia, đây là dòng trực thăng tấn công hạng nặng phổ biến nhất thế giới.

Dòng trực thăng tấn công hạng nặng Mi-24 trở nên nổi tiếng tại chiến trường Afghanistan khi Liên Xô tham chiến tại đây.

Lực lượng hồi giáo Mujahideen tại Aghanistan phải thốt lên rằng, “chúng tôi không sợ người Liên Xô, nhưng lại rất ngại những chiếc trực thăng tấn công Mi-24 của họ”.

Đòn tấn công của trực thăng Mi-24 khiến cho các lực lượng hồi giáo cực đoan kinh hồn bạt vía.

Điều này được lặp lại khi Nga sử dụng những chiếc Mi-24 trong cuộc chiến tranh tại Chechnya.

Mi-24 được tập đoàn quân sự Mil Moscow nghiên cứu và phát triển từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX.

Loại trực thăng này được sản xuất với khá nhiều biến thể bao gồm Mi-24A/BM|BMT/U.

Biến thể 24A có buồng lái với các mặt cắt, tuy vậy nó vẫn bố trí ghế bay thẳng hàng với phi công ngồi trước và hoa tiêu phía sau.

Sau này các biến thể Mi-24D/P/PK/PN/PS, Mi-25, Mi-35/35M/35P có buồng lái hình giọt nước cho tầm quan sát tốt hơn.

Kể từ khi được đưa vào hoạt động cho tới tận ngày nay, Mi-24 tham gia rất nhiều cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông, châu Phi và tạo tiếng vang lớn.

Trực thăng chiến đấu Mi-24 được thiết kế để tấn công tiêu diệt mọi mục tiêu trên mặt đất (xe tăng, bộ binh, công sự phòng ngự kiên cố).

Tuy nhiên, thỉnh thoảng Mi-24 cũng bắn hạ được máy bay trực thăng của đối phương.

Cuộc chiến tranh Iran-Iraq đã từng ghi nhận, Mi-24 Iraq bắn hạ nhiều trực thăng AH-1J và UH-1 của Iran bằng súng máy YaKB và rocket. Đây là một thành tích hiếm có trực thăng chiến đấu nào trên thế giới đạt được.

Mi-24 cũng được xem là loại trực thăng chiến đấu độc đáo nhất thế giới với khả năng vừa chở quân (như trực thăng vận tải), vừa có hỏa lực cực mạnh.

Những chiếc Mi-24 có khả năng chở được 8 lính có vũ trang hoặc 4 cáng cứu thương, hay 2,4 tấn hàng hóa.

Về khả năng chiến đấu, trực thăng chiến đấu Mi-24 trang bị hỏa lực súng máy hoặc pháo (đặt ở đầu mũi). Súng máy YakB 12,7mm được trang bị trên những chiếc Mi-24D thế hệ đầu.

Từ thế hệ 2 trở đi (seri Mi-24V, Mi-24P, Mi-35) thường lắp pháo 23-30mm cố định.

Mỗi chiếc trực thăng Mi-24 có khả năng mang theo tối đa 4 ống phóng rocket loại S-5 hoặc S-8.

Mi-24 còn có thể mang theo các loại tên lửa chống tăng để tấn công chiến xa hoặc lô cốt địch.

Ngoài ra trực thăng Mi-24 còn có thể tấn công đối phương bằng bom thông thường không có điều khiển.

Về kích thước, trực thăng Mi-24 dài 17,5 m, đường kính rotor 17,3 m, chiều cao 6,5 m. Trọng lượng cất cánh tối đa 12.000 kg.

Máy bay được trang bị 2 động cơ Isotov TV3-117 có công suất 2.200 mã lực mỗi chiếc giúp cho trực thăng đạt vận tốc cực đại 335 km/h. Tầm bay 450 km, trần bay 4.500 m.

Hiện nay, trực thăng Mi-24 vẫn đang được biên chế rộng rãi tại nhiều quốc gia và chúng tích cực tham gia vào các cuộc xung đột đang diễn ra.

Uy lực vũ khí mạnh, cơ động cao, bọc giáp tốt, Mi-24 có thể nhanh chóng tấn công đội ngũ tăng thiết giáp cũng như công sự và binh lính đối phương.