Bộ Tư pháp: Quy chế họp báo của TP Cần Thơ chưa phù hợp quy định

Bộ Tư pháp: Quy chế họp báo của TP Cần Thơ chưa phù hợp quy định

Ngày 19-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết ngày 17-4 vừa qua, cơ quan này đã có cuộc làm việc liên quan đến tính pháp lý của Quyết định số 798/QĐ-UBND ngày 4-4-2024 của UBND TP Cần Thơ về việc ban hành Quy chế tổ chức họp báo của UBND TP Cần Thơ.

Một cuộc họp báo do UBND TP Cần Thơ tổ chức. Ảnh: NLĐO

Cuộc làm việc có sự tham gia của đại diện Cục Báo chí, Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông); Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp TP Cần Thơ.

Theo ông Huy, kết quả cuộc làm việc cho thấy Quy chế nêu trên do UBND TP Cần Thơ ban hành có chứa quy phạm pháp luật. Cụ thể, các quy định tại Quy chế là các quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi TP Cần Thơ.

Do đó, việc ban hành văn bản hành chính nhưng chứa quy phạm pháp luật là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng nêu rõ, việc Quy chế yêu cầu “Cơ quan, Văn phòng đại diện báo chí, phóng viên thường trú khi tham dự họp báo phải đúng thành phần được mời; trang phục, tác phong lịch sự và gửi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông, trước thời gian diễn ra họp báo ít nhất 3 ngày” là chưa phù hợp với quy định của pháp luật vì Luật Báo chí và Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước không đặt ra giới hạn thời gian cơ quan, phóng viên báo chí phải gửi trước câu hỏi trước thời gian diễn ra họp báo.

Về quy định “Nội dung câu hỏi phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác” (khoản 4 Điều 9 Quy chế), ông Hồ Quang Huy cho biết khoản 7 Điều 22 Luật Báo chí năm 2016 quy định: “Hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm do cơ quan báo chí giao và tuân thủ quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan“.

Do vậy, ở góc độ pháp lý, nội dung tại khoản 4 Điều 9 Quy chế là phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 22 Luật Báo chí năm 2016, nhưng cách diễn đạt như Quy chế dễ dẫn đến cách hiểu thiếu thống nhất trong quá trình thực hiện.

Về phương án xử lý, ông Huy cho biết Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ban hành kết luận bằng văn bản theo đúng thẩm quyền được Chính phủ giao tại Nghị định số 34/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).

Đồng thời, UBND TP Cần Thơ cam kết sẽ khẩn trương rà soát, xử lý Quyết định số 798/QĐ-UBND ngày 4-4-2024, bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản liên quan.

Trước đó, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quy chế tổ chức họp báo, có hiệu lực từ tháng 4-2024. Với quy chế mới, UBND thành phố sẽ tổ chức họp báo định kỳ (mỗi quý một lần) và đột xuất khi có chuyên đề, sự việc quan trọng theo yêu cầu của người đứng đầu chính quyền địa phương này.

Quy chế nêu cơ quan báo chí, phóng viên phải gửi câu hỏi về Sở Thông tin và Truyền thông trước cuộc họp báo ít nhất 3 ngày. Người dự họp phải đúng thành phần được mời, trang phục, tác phong lịch sự. Phóng viên đặt câu hỏi bổ sung tại họp báo phải phù hợp tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đang công tác.

Minh Chiến