Bơm xi măng sinh học- giải pháp hiệu quả cho bệnh nhân chấn thương cột sống, đốt sống lún xẹp

Bơm xi măng sinh học- giải pháp hiệu quả cho bệnh nhân chấn thương cột sống, đốt sống lún xẹp

Chiều 23/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp tổ chức hội thảo khoa học cập nhật một số tiến bộ trong kỹ thuật tạo hình thân đốt sống bằng bơm xi măng sinh học với sự tham gia của các chuyên gia đến từ trường Đại học Y Hà Nội, BV Đại học Y Hà Nội.

Hội thảo khoa học cập nhật một số tiến bộ trong kỹ thuật tạo hình thân đốt sống bằng xi măng sinh học đã thu hút đông đảo bác sĩ chuyên ngành ngoại khoa tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng và các tỉnh thành khu vực phía Bắc tham dự.

Phát biểu khai mạc, TS.BS Đỗ Manh Thắng- Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp cho biết: Năm 2023 được coi là năm để có nhiều dấu ấn nhất của bệnh viện, trong đó có triển khai kỹ thuật tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng sinh học. Với những bước tiến này, bệnh viện hy vọng sẽ đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân, hạn chế tình trạng bệnh nhân phải chuyển tuyến.

TS.BS Đỗ Mạnh Thắng – Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp phát biểu khai mạc chương trình Hội thảo.

Tại hội thảo, PGS,TS Hà Kim Trung -Phó trưởng bộ môn ngoại, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng sinh học được ứng dụng với những bệnh nhân trên 50- nhóm đối tượng thường bị loãng xương và dần vỡ lún theo thời gian; tỉ lệ nữ mắc bệnh về cột sống lớn hơn nam giới …

PGS.TS Hà Kim Trung giải thích, khi mắc bệnh lý về đốt sống, người bệnh sẽ đau đớn, gặp khó khăn trong đi lại, hình dáng cơ thể bị cong lệch … nên việc phẫu thuật đưa 1 lượng xi măng sinh học vào thân đốt sống bị lún xẹp sẽ giúp người bệnh giảm đau, làm vững đốt sống bị xẹp. Tuy nhiên, phương pháp này không phải nguời bệnh nào cũng đủ điều kiện để thực hiện. Ví dụ, người mắc bệnh tim, phổi nặng; có triệu chứng của chèn ép tủy; khiễm khuẩn, áp xe ngoài màng cứng; bệnh lý đông máu, dị ứng với xi măng hoặc các chất trong thành phần xi măng … không có chỉ định điều trị bằng bơm xi măng sinh học.

PGS.TS Hà Kim Trung nhấn mạnh, với những bệnh nhân bị gãy lún đốt sống cấp tính (thường trong vòng 4 tháng sau khi bị gãy lún), bị loãng xương, có u máu thân đốt sống gây đau, u di căn thân đốt sống sẽ thích hợp để áp dụng kỹ thuật này. Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, thời gian thực hiện từ 20 phút đến 120 phút tùy theo số lượng đốt sống cần bơm.

PGS,TS Hà Kim Trung -Phó trưởng bộ môn ngoại, Trường ĐH Y Hà Nội giới thiệu tổng quan về tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng sinh học.

Bàn về can thiệp ngoại khoa cột sống ở bệnh nhân loãng xương, bác sĩ Nguyễn Vũ -Phó trưởng Khoa Ngoại thần kinh-Cột sống, BV Đại học Y Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam tần suất loãng xương ở nữ lớn hơn nam giới (nữ 28% và nam 10%); loãng xương có 2 dạng (loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát). Loãng xương là một căn bệnh nguy hiểm với sức khỏe, nếu không được điều trị kịp thời hay đúng cách sẽ gây ra các biến chứng như gãy xương, lún xẹp đốt sống, suy giảm khả năng vận động.

Theo đó, việc áp dụng kỹ thuật tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng sinh học được coi là giải pháp hiệu quả. Hiện có 3 phương pháp bơm xi măng sinh học: Bơm không bóng; bơm có bóng; bơm sử dụng stent.

Tham góp ý kiến, TS.BS Đặng Việt Sơn – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh cột sống, BV Hữu Nghị Việt Tiệp đã thông tin kết quả điều trị xẹp đốt sống do loãng xương bằng phương pháp bơm xi măng sinh học có bóng vừa qua.

Theo bác sĩ Sơn, bơm xi măng sinh học có ưu điểm giảm đau nhanh, gần như hoàn toàn hết đau; hậu phẫu nhẹ nhàng; bệnh nhân sớm hồi phục đi lại sau 24 giờ, thời gian nằm viện ngắn.

Kip phẫu thuật BV ĐH Y Hà Nội và BV Việt Tiệp đang thực hiện tạo hình thân đốt sống bằng bơm xi măng sinh học cho bệnh nhân bị chấn thương cột sống và truyền trực tuyến về hội thảo.

Từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023, bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật tạo hình thân đốt sống bằng bơm xi măng sinh học cho 118 bệnh nhân (81,4% bệnh nhân nữ, cao nhất 93 tuổi và thấp nhất 42 tuổi) bị xẹp thân đốt sống do loãng xương ngay tại bệnh viện.

Qua thời gian thực hiện nghiên cứu và triển khai điều trị cho người bệnh bằng phương pháp này, bác sĩ Sơn nhận định; vị trí tổn thương đốt sống thường hay gặp nhất trên người bệnh là đốt sống L1 (chiếm 38.3%). Sau can thiệp và tiếp tục duy trì ở 3 tháng tiếp theo, 100% bệnh nhân giảm đau ngay. Tất cả bệnh nhân đều có số đo góc xẹp, góc gù…cải thiện rõ rệt trước và sau khi bơm. Sau 3 tháng có 82,2% bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt và rất tốt.

Cũng theo bác sĩ Sơn, bơm xi măng sinh học có bóng trong điều trị bệnh nhân xẹp đốt sống do loãng xương cho thấy hiệu quả giảm đau nhanh, có tác dụng chỉnh hình tốt, phù hợp với các bệnh nhân loãng xương, tuổi cao và có nhiều bệnh lý phối hợp.

Cũng tại hội nghị, các bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội và BV Hữu nghị Việt Tiệp đã mổ thị phạm truyền trực tuyến 7 ca bệnh bị chấn thương cột sống, xẹp phù nề đốt sống bằng kỹ thuật tạo hình thân đốt sống bằng xi măng sinh học; trung bình mỗi ca kéo dài 20 đến 30 phút.

MInh Lý