Các câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh đột quỵ

Các câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh đột quỵ

1. Đông y có chữa được bệnh đột quỵ không?

Đông y không chữa được đột quỵ, tuy nhiên sau đột quỵ khi phục hồi lâu dài thì việc sử dụng các phương pháp y học cổ truyền như: Xoa bóp, bấm huyệt, tập vật lý trị liệu là vô cùng quan trọng để người bệnh trở về cuộc sống bình thường.

Việc điều trị cho bệnh nhân đột quỵ cần có sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa như hồi sức nội khoa tích cực, ngoại thần kinh, chẩn đoán hình ảnh và X-quang can thiệp, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.

2. Cách sơ cứu khi gặp đột quỵ

Khi thấy người bị đột quỵ không để người bệnh ngã mà hãy đỡ bệnh nhân và bình tĩnh và gọi xe cấp cứu ngay lập tức.

Cần đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn để bảo vệ đường thở và an toàn cho người bệnh. Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu, phản ứng của bệnh nhân như suy giảm ý thức, nôn mửa… Tuyệt đối không tự ý bấm huyệt, đánh gió, châm cứu. Không cho bệnh nhân ăn uống vì có thể gây hít, sặc chất nôn vào đường hô hấp, tắc đường thở rất nguy hiểm. Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.

Nếu bệnh nhân hôn mê cần xem bệnh nhân thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hoặc ngưng thở. Nếu ngưng thở thì cần hô hấp nhân tạo nhằm kịp thời cung cấp oxy cho não.

3. Cách chăm sóc bệnh đột quỵ tại nhà

Sau khi bị đột quỵ, nhiều người bệnh phải đối mặt với tình trạng liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ… khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái lo âu, mệt mỏi, buồn chán. Các sinh hoạt hàng ngày phải phụ thuộc vào người khác nên người bệnh cần được chăm sóc chu đáo.

Người bệnh ăn theo chế độ dinh dưỡng hợp lý, bao gồm ba bữa chính và thức ăn nhẹ. Trong thành phần mỗi bữa ăn cần được đáp ứng đủ chất dinh dưỡng và vitamin. Lưu ý để người bệnh ăn vừa đủ no, không ép người bệnh ăn quá nhiều và nên thay đổi món ăn mỗi ngày.

Việc chăm sóc giữ vệ sinh cho người đột quỵ có vai trò đặc biệt quan trọng. Cần tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho người bệnh hàng ngày và nên thực hiện ở phòng kín gió, nhiệt độ ấm, sàn nhà ít trơn trượt, nước ấm từ 37 – 45 độ C. Thời gian tắm từ 5 – 7 phút và không nên tắm buổi tối.

Đối với những bệnh nhân đột quỵ thì việc đại tiểu tiện rất khó khăn. Vì vậy, có thể lựa chọn dùng loại tã lót dùng một lần hoặc bô. Cho dù là phương pháp nào, đều phải kịp thời vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần đại tiểu tiện để phòng ngừa viêm nhiễm.

Bệnh nhân cần được đổi tư thế nằm mỗi 2 giờ để chống loét. Người nhà nên thường xuyên xoa bóp các bắp cơ, khớp tay, khớp chân để giúp bệnh nhân lưu thông máu, ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và teo cơ.

Tùy mức độ di chứng liệt, người nhà nên phối hợp với nhân viên y tế đề ra kế hoạch tập luyện, vận động hằng ngày cho bệnh nhân. Mỗi ngày nên tập 2 – 3 lần và tiếp tục duy trì kể cả khi các di chứng đã được khắc phục, cố gắng cho bệnh nhân tự thực hiện các hoạt động, công việc sinh hoạt hằng ngày để tăng tốc độ hồi phục.

Đột quỵ não là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên toàn thế giới.

4. Bệnh đột quỵ có chữa khỏi không?

Bệnh đột quỵ có thể dẫn đến tử vong, nếu người bệnh may mắn sống sót sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh. Khi bị bệnh đột quỵ mà không đến bệnh viện để điều trị thì hệ thần kinh sẽ ngày càng bị tổn thương trầm trọng, thời gian phục hồi sẽ lâu hơn và thậm chí vĩnh viễn không thể phục hồi được. Bình thường phải mất khoảng một tháng hoặc lâu hơn để người đột quỵ có thể phục hồi được. Vì vậy việc điều trị sớm là vô cùng quan trọng để giảm tổn thương và biến chứng.

5. Lưu ý những người tăng huyết áp, đái tháo đường, người từ 55 tuổi trở lên… dễ bị đột quỵ

Bất cứ ai cũng có thể đối mặt với căn bệnh này tuy nhiên những người có các bệnh lý sau dễ mắc đột quỵ hơn:

+ Người mắc tăng huyết áp: Có 70% bị đột quỵ.

+ Người mắc bệnh tim mạch (chiếm thứ hai) như rung nhĩ (15% bị đột quỵ), bệnh van tim hậu thấp, dị tật tim, viêm cơ tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim, trước đây bị nhồi máu cơ tim (chiếm 2,5% tắc mạch não, trong đó 85% xảy ra trong tháng đầu sau nhồi máu cơ tim), đột quỵ hoặc đột quỵ nhỏ – cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (người bị đột quỵ nhỏ dễ bị đột quỵ gấp 10 lần người khác).

+ Người mắc đái tháo đường: Người bị đái tháo đường dễ bị đột quỵ gấp 4 lần người bình thường.

+ Người có lối sống không lành mạnh.

+ Người từ 55 tuổi trở lên: Dù đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi nhưng 1/3 số trường hợp đột quỵ lại xảy ra ở người dưới 65 tuổi.

6. Chi phí khám chữa bệnh

Chi phí điều trị đột quỵ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: tình trạng sức khỏe của người bệnh, nguyên nhân gây bệnh, phương pháp bác sĩ chỉ định (dùng thuốc hay phẫu thuật), bệnh nhân bị nặng hay nhẹ, cơ sở vật chất….

Ví dụ như người bệnh mắc xuất huyết não nhẹ, phát hiện sớm thì chi phí điều trị sẽ thấp hơn. Nếu đột quỵ nặng đến viện muộn chi phí sẽ nhiều hơn. Không chỉ là chi phí can thiệp mà cả chi phí phục hồi sau đột quỵ mất nhiều thời gian nằm viện hơn.

Người bệnh có thể lựa chọn khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh hoặc Trung ương với các lựa chọn khám theo yêu cầu, khám dịch vụ, khám theo chế độ BHYT… Chi phí điều trị nội trú cho bệnh nhân đột quỵ dao động tùy từng trường hợp, có thể là 5.000.000 đồng hay 13.000.000 đồng, nếu phẫu thuật có thể lên tới 73.000.000 đồng, thậm chí nhiều hơn nữa. Sự khác biệt này bị ảnh hưởng bởi yếu tố tuổi, loại đột quỵ, phương thức điều trị, thời gian nằm tại đơn vị hồi sức tích cực thần kinh, thời gian nằm viện…

Đối với tầm soát đột quỵ chính là tầm soát các nguyên nhân, các yếu tố dễ dẫn đến đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch… Với từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định các khảo sát phù hợp, thông thường bao gồm theo dõi huyết áp, đường huyết, mỡ máu, tim mạch, xơ vữa động mạch. Trong một số tình huống, bác sĩ sẽ chỉ định chụp MRI não và mạch máu não.

Nên kiểm soát tốt huyết áp để phòng bệnh đột quỵ.

– Những trường hợp có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu sẽ xét nghiệm lipid máu, đường huyết, tầm soát chức năng đông máu, gan, thận, siêu âm tim, siêu âm mạch máu…

Lưu ý, những người có các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ nên tầm soát sớm căn bệnh này, đối tượng cụ thể:

Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ hoặc từng bị đột quỵ; Mắc các bệnh lý như các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, đái tháo đường, đau nửa đầu, bệnh lý tim mạch, hẹp động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại vi, chứng ngưng thở khi ngủ,…; Cao huyết áp; Bị thừa cân, béo phì, hàm lượng cholesterol cao; Sử dụng viên uống tránh thai; Sử dụng hormone sau mãn kinh; Ít vận động, luyện tập thể dục thể thao; Có lối sống kém lành mạnh, thường xuyên uống rượu bia hoặc các chất có cồn, hay hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích… cũng nên tầm soát bệnh.

BS. Phạm Văn Cường