Căng thẳng tăng nguy cơ mắc bệnh tim, cách nào để giảm?

Căng thẳng tăng nguy cơ mắc bệnh tim, cách nào để giảm?

Căng thẳng, stress ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch như thế nào?

Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hành vi và các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim như: bệnh tăng huyết áp và cholesterol, hút thuốc lá, lười hoạt động thể chất và ăn quá nhiều.

Mối liên quan giữa căng thẳng stress với bệnh tim và đột tử đã được ghi nhận từ thời cổ đại. Người ta nhận thấy tỷ lệ nhồi máu cơ tim và đột tử tăng đáng kể sau những căng thẳng lớn cấp tính như sau các thảm họa bão, động đất và sóng thần, mất người thân,…

Bệnh mạch vành cũng phổ biến hơn nhiều ở những người bị căng thẳng mạn tính và đặc biệt là căng thẳng trong công việc.

Người ta còn ghi nhận vấn đề liên quan đến stress có thể gây ra đột tử. Có giả thuyết cho rằng khi bị căng thẳng về tâm lý cấp tính có thể gây rung thất và đột tử do kích hoạt hệ thống bảo vệ dẫn đến làm giảm đột ngột trương lực phó giao cảm.

Người ta còn ghi nhận vấn đề liên quan đến stress có thể gây ra đột tử.

Thông qua cơ chế thần kinh phó giao cảm trung ương làm mất sự ổn định về điện học của tim. Trong khi đồng thời làm tăng trương lực thần kinh giao cảm ở tim dẫn đến làm tăng tần số tim, tăng co bóp cơ tim, tăng huyết áp tâm thu và gây thiếu máu cơ tim ở các bệnh nhân có vữa xơ động mạch vành, do vậy làm tăng nguy cơ bị rung thất và đột tử.

Cuộc sống hiện đại ngày nay kéo theo nhiều vấn đề khiến chúng ta lo lắng, phải đối mặt với chúng hàng ngày. Đến một lúc sẽ căng thẳng, không thể kiểm soát, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ ảnh hưởng đến tim mạch.

Kiểm soát căng thẳng, ngăn ngừa bệnh tim

Thường có nhiều cách phản ứng khác nhau mỗi khi gặp căng thẳng. Mỗi một cách phản ứng thể hiện vấn đề sức khỏe khác nhau. Vậy phải làm gì, phản ứng ra sao mỗi khi gặp căng thẳng để luôn đảm bảo sức khỏe? Đây là câu hỏi nhiều người thắc mắc.
Trên thực tế, mỗi khi cơ thể căng thẳng sẽ xuất hiện triệu chứng đau nhức đầu, bứt rứt hoặc đau dạ dày. Căng thẳng cũng có thể làm hao mòn năng lượng, rối loạn giấc ngủ và khiến bạn cảm thấy cáu kỉnh, dễ quên và mất kiểm soát.

Để kiểm soát căng thẳng, stress hãy hoạt động thể lực.

Vì vậy, kiểm soát căng thẳng là một điều rất tốt cho sức khỏe. Một vài nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả của liệu pháp giảm căng thẳng trong việc giảm tác động của tình trạng này đối với bệnh lý tim mạch.

Để kiểm soát căng thẳng, stress hãy hoạt động thể lực bởi các nghiên cứu cho thấy các hoạt động thể lực (chạy, đi bộ, chơi tennis, bơi lội, yoga, làm vườn hoặc thậm chí là dọn dẹp nhà cửa…) sẽ làm giảm căng thẳng. Hoạt động thể lực đều đặn khoảng 30 phút mỗi ngày giúp thư giãn và ngủ ngon hơn.

Hãy nghỉ ngơi hợp lý để giảm căng thẳng thường ngày. Bất kỳ ai từng bị stress đều hiểu rằng ngủ đủ giấc là việc đầu tiên cần phải làm. Người trưởng thành cần 8 tiếng mỗi ngày để ngủ. Cơ thể cần ngủ để tái tạo và hồi phục. Khi ngủ sâu, hơi thở, nhịp tim và cả huyết áp đều sẽ ở mức thấp nhất.

Tạm dừng công việc và thả lỏng cả tâm hồn và cơ thể trong không gian yên tĩnh. Hãy tuân theo “đòi hỏi” nghỉ ngơi của cơ thể để tinh thần sảng khoái thay vì phải kiềm chế, làm tăng thêm sự căng thẳng hay thất vọng về công việc.

Cuối cùng để giảm căng thẳng cần phải học cách hít thở để thư giãn. Đây là một trong những cách giảm stress tốt nhất. Thở sâu sẽ giúp tránh được khả năng bị stress. Nếu muốn học cách thở đúng, tốt nhất là theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cách này rất tốt cho những người phiền muộn, hay lo lắng.

Nếu thường xuyên gặp căng thẳng, hãy tham gia các lớp kiểm soát căng thẳng, các chương trình phục hồi chức năng trong các bệnh viện hoặc tư vấn bởi một chuyên gia sức khỏe tâm lý.

BSCK1 Đỗ Kiều Anh