Cao điểm dịch tay chân miệng, người lớn cũng có thể mắc bệnh

Cao điểm dịch tay chân miệng, người lớn cũng có thể mắc bệnh

Con số này làm gia tăng tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng của Hà Nội từ đầu năm 2024 đến nay lên 770 ca, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều ca biến chứng

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) từ đầu năm đến nay đã có 115 ca nhập viện do mắc tay chân miệng, trong đó nhiều ca biến chứng nặng.

Nhập viện tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bé trai VĐM (2 tuổi, ngụ Phúc Thọ, Hà Nội) có các triệu chứng như chân tay run rẩy, kích động, quấy khóc kèm nôn trớ. Các bác sĩ xác định bé có dấu hiệu của biến chứng do mắc tay chân miệng.

Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bé cải thiện nhưng vẫn còn mệt mỏi, sốt nhẹ.

“Tôi không nghĩ bệnh tay chân miệng có thể nặng như thế, rất may là gia đình đã đưa bé đến bệnh viện sớm” – mẹ bé cho hay.

Nhiều trẻ mắc tay chân miệng cấp độ nặng ở TP.HCM phải nhập viện điều trị. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cùng phòng bệnh với bé VĐM là bé gái T A (3 tuổi) với các triệu chứng bệnh nhẹ và phổ biến hơn.

Theo chia sẻ của gia đình, ngay khi thấy bé có biểu hiện bất thường như nổi ban ở lòng bàn tay, trong miệng đã cho con đến bệnh viện kiểm tra.

“Ban đầu, khi ngủ bé thường giật mình vào ban đêm, sau đó bắt đầu đi đại tiện nhiều lần, sốt, nổi mẩn đỏ ở đầu gối, mông… Đến hôm sau thì lan ra nhiều hơn, gia đình lỗ nên đã đưa con đến bệnh viện” – mẹ bé kể.

Theo ThS Đỗ Thị Thúy Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh tay chân miệng thường diễn biến lành tính và có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bệnh diễn tiến nhanh, biến chứng nguy hiểm.

“Nếu được bác sĩ chỉ định điều trị tại nhà, gia đình cần chăm sóc trẻ đúng cách theo hướng dẫn, nhận biết được các dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời” – bà Hậu khuyến cáo.

Các yếu tố khiến bệnh trở nặng

Theo TS Vũ Quốc Đạt, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), hiện đang là cao điểm của dịch tay chân miệng. Các bất thường trong diễn biến dịch có thể lường trước được.

Không chỉ năm nay mà các năm tiếp theo ngành y tế cũng cần phải đối mặt, sẵn sàng ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh tại nhiều thời điểm trong năm.

“Bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bùng phát dịch bệnh, trong đó có thay đổi về môi trường sống, sinh hoạt, thay đổi về thời tiết, khí hậu… Những yếu tố này dẫn đến bùng phát dịch tay chân miệng tại các thời điểm khác nhau trong năm” – bác sĩ Đạt nói.

Hiện chưa có bằng chứng chính xác để xác định nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca mắc bệnh. Không có yếu tố đơn độc nào giải thích, quyết định được sự bùng phát dịch.

Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Đạt, về mặt chuyên môn, các nhà khoa học đã ghi nhận yếu tố biến đổi khí hậu, thay đổi thời tiết, thời điểm giao mùa… có thể ảnh hưởng đến sự gia tăng, xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm nói chung.

Thời điểm giao mùa có thể ảnh hưởng đến sự gia tăng của dịch bệnh tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác. Ảnh minh họa

Người lớn cũng có thể mắc tay chân miệng

Bác sĩ Đạt thông tin thêm, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, người lớn cũng có khả năng mắc bệnh.

Đáng lưu ý, bệnh tay chân miệng thường có khả năng tiến triển nặng ở những người có bệnh lý nền, đặc biệt là các bệnh có thể gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch như tiểu đường, xơ gan, ung thư gan, bệnh nhân đang điều trị hóa chất, xạ trị và những người mắc bệnh gan, phổi, thận mạn tính khác.

Phần lớn người lớn mắc bệnh này đều do nguồn lây từ trẻ em.

Khi mắc bệnh, những biến chứng nặng ở người lớn cũng tương tự trẻ em như có thể bị viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim… thậm chí tử vong.

“Ngoài việc tử vong liên quan trực tiếp đến các tác nhân do virus tay chân miệng gây ra, các bệnh lý nền của người bệnh cũng trở nên khó kiểm soát hơn” – bác sĩ Đạt nhấn mạnh.

Đối với các bệnh do virus nói chung, việc phát hiện sớm tương đối khó khăn, chủ yếu nghi ngờ mắc bệnh nếu có tiếp xúc với người đã bị bệnh hoặc người có biểu hiện bệnh.

Ở giai đoạn đầu của bệnh có triệu chứng nhưng không thực sự điển hình để giúp phát hiện, phân biệt bệnh với các bệnh khác như cúm, COVID-19 hoặc các bệnh nhiễm trùng hô hấp khác.

Cũng theo bác sĩ Đạt, hiện chưa có vaccine tay chân miệng được khuyến cáo, chứng minh là có hiệu quả để sử dụng trên lâm sàng. Tuy nhiên, gần đây đã có một số vaccine tay chân miệng tiềm năng được sử dụng tại một số quốc gia.

“Mới đây nhất, Trung Quốc đã phê duyệt vaccine đầu tiên phòng bệnh tay chân miệng tại nước này, nhưng hiệu quả vẫn chưa được kiểm chứng. Vaccine này cũng chưa được sử dụng ở các thị trường khác, chưa chứng minh được hiệu lực đối với các vùng dịch khác nhau” – bác sĩ Đạt thông tin.

Thanh Thanh