Âm mưu chia rẽ về Biển Đông

Âm mưu chia rẽ về Biển Đông

Sáng nay, tại Philippines đã nổ ra cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam. Theo tờ Manila Bulletin, một số nhân vật thuộc nhóm Makabansa đã tập hợp trước đại sứ quán lên án cái gọi là hoạt động quân sự hóa của Việt Nam ở Biển Đông và kêu gọi Việt Nam ngừng đánh bắt cá ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Kalayaan. Đây không phải là một cuộc biểu tình bất chợt mà nhiều khả năng là một vụ giật dây.

Philippines tranh chấp với Việt Nam trên đảo Thị Tứ

Tranh chấp giữa Philippines và Việt Nam tại Trường Sa

Căn cứ Hiệp định Paris ký năm 1898 giữa Mỹ và Tây Ban Nha, khi Tây Ban Nha bàn giao Philippines cho Mỹ quản lý, Hiệp định xác định phạm vi lãnh thổ quần đảo Philippines không bao gồm quần đảo Trường Sa. Tuy vậy, Philippines vẫn yêu sách chủ quyền đối với phần lớn quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 1956, nhà thám hiểm Philippines, Thomas Cloma, đã tuyên bố về quần đảo này với tên gọi “Kalayaan” (Vùng đất Tự do). Từ năm 1971 đến năm 1973, Philippines đưa quân chiếm đóng 5 đảo; năm 1977 đến 1978, chiếm thêm 2 đảo; năm 1979, Philippines công bố Sắc lệnh của Tổng thống Marcos ký ngày 11/6/1979 gộp hầu hết quần đảo Trường Sa, trừ đảo Trường Sa Lớn, vào một đơn vị hành chính, gọi là Kalayaan, thuộc lãnh thổ Philippines. Năm 1980, Philippines chiếm thêm đảo Công Đo ở phía Nam quần đảo Trường Sa. Đến nay, Philippines đang chiếm giữ 10 vị trí tại Trường Sa, gồm 7 đảo, đá san hô và 3 bãi cạn, rạn san hô.

Tại quần đảo Trường Sa đang tồn tại sự chiếm đóng đan xen của 4 nước 5 bên (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan), các bên liên quan đều thường xuyên có những hoạt động tại các thực thể địa lý mà họ đang chiếm đóng nhằm vào những mục đích khác nhau. Khác với Trung Quốc, Đài Loan, những hoạt động của Philippines không nhằm mở rộng hay chiếm đóng thêm các thực thể địa lý trong quần đảo Trường Sa mà chỉ nhằm cải tạo, nâng cấp các căn cứ hậu cần trên đảo Thị Tứ; nghĩa là chưa làm thay đổi hiện trạng chiếm đóng mà Tuyên bố về ứng xử trong Biển Đông (DOC) đã đề cập. Chính vì thế, hiện tại mối quan hệ giữa Việt Nam và Philippines vẫn đấu tranh chủ yếu trên phương diện ngoại giao về những tranh chấp liên quan đến chủ quyền tại quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, điều này khiến cho một số người không hài lòng.

Âm mưu thổi lửa vào mối quan hệ Việt Nam và Philippines

Âm mưu này bắt đầu từ khi tờ Manila Times ngày 16/7 đăng bài viết về hoạt động xây cất của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, sử dụng cái gọi là tài liệu bị rò rỉ từ phía Việt Nam từ một nguồn tin bí mật.

“Nguồn tin” này trong thời gian qua đã chủ động tiếp xúc với báo chí Philippines đề nghị cung cấp “các tài liệu mật”, cũng như tóm tắt nội dung các tài liệu, với các điểm đáng chú ý.

Về hình thức, các tài liệu có vẻ như giống với tài liệu thật, dù không loại trừ khả năng nó được chèn vào các thông tin giả, hoặc ít nhất nếu làm giả thì những kẻ đứng sau hết sức chuyên nghiệp và tinh vi.

Hình ảnh cuộc biểu tình tại đại sứ quán Việt Nam

Tuy nhiên, vì Manila Times là tờ báo được xếp vào hàng “cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh”, đặc biệt về vấn đề Biển Đông, nên không tạo ra được hiểu ứng lan tỏa. Vấn đề bị chìm đi sau đó không lâu sau bài báo đầu tiên, nên “nguồn tin” đã cố gắng tiếp xúc với những tờ báo lớn hơn ở Philippines để mớm và thúc đẩy vấn đề này, nhằm mục đích tiếp tục làm nóng, tạo ra dư luận lớn hơn, nhưng bất thành.

Vì thế, đến ngày 27/7, tờ Manila Times tiếp tục chạy một bài nặng đô hơn. Sau thời điểm ấy, một cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam nổ ra đã làm vấn đề này trở nên được quan tâm hơn. Không loại trừ khả năng cả cuộc biểu tình này cũng đã được hoạch định trong âm mưu đó. Vì dù các tờ báo khác ở Philippines có bỏ qua “các tài liệu mật” thì vụ biểu tình cũng đã thu hút chú ý của dư luận.

Mục đích của âm mưu này không ngoài việc rêu rao hoạt động xây đảo của Việt Nam, xem Việt Nam là kẻ gây hấn lớn ở quần đảo Trường Sa, chia rẽ Việt Nam với Philippines, Malaysia, cũng như hướng dư luận Philippines có thái độ không thân thiện với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, phá hoại sự đoàn kết trong ASEAN. Chính vì thế, cần phải khẳng định đây là một âm mưu vô cùng nham hiểm, từng bước đi đã được tính toán cẩn thận. Thế mới thấy, để bảo vệ được chủ quyền trên biển Đông như Việt Nam trong thời gian qua không phải là điều dễ dàng.

Hạ Băng