Bảy con dắt nhau ra tòa tranh… quyền nuôi mẹ

Bảy con dắt nhau ra tòa tranh… quyền nuôi mẹ

Bảy người con chia làm hai phe, đưa nhau ra tòa giành quyền nuôi mẹ đã 86 tuổi. Những gì tệ hại nhất của đối phương được hai bên phô bày trước tòa để chứng minh sự bất hiếu, vô đạo đức không xứng đáng nuôi mẹ.

Quang cảnh phiên xử giành quyền nuôi mẹ chưa từng có trong lịch sử ngành tòa án tỉnh Quảng Ngãi – Ảnh: TRẦN MAI

Vụ kiện tụng giành quyền nuôi mẹ thật khác biệt, bởi nhiều thẩm phán bảo chưa từng gặp. Nhiều người tò mò hỏi đồng nghiệp của mình ở nhiều tỉnh khác nhưng cũng chưa tìm ra sự việc tương tự.

Ai bất hiếu hơn ai?
Ngày 30-9, TAND huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi tiếp tục buổi xét xử vụ án “tranh chấp quyền nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng mẹ và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở quyền, nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng mẹ”.

Phiên tòa được mở từ ngày 21-9, kéo dài đến ngày 30-9 với ba buổi xử. Dù tranh luận từ buổi xét xử đầu tiên nhưng đến buổi xử thứ ba, nguyên đơn và bị đơn đều yêu cầu chủ tọa phiên tòa tiếp tục cho tranh tụng.

Theo trình bày của các đương sự tại phiên tòa, nguyên đơn có bốn người, bị đơn có ba người. Tất cả là con ruột của cụ bà đã 86 tuổi. Từ lúc đến tòa, “hai phe” đã không nhìn mặt nhau. Bị đơn đứng trước sân tòa, còn nguyên đơn đi thẳng vào phòng xử. Không khí căng thẳng khởi đầu bằng ánh mắt không mấy thiện cảm họ trao nhau.

Bắt đầu phiên xử, đại diện nguyên đơn hỏi bị đơn những câu như chất vấn: chuyện người con của bị đơn “dính” án hình sự? Bị đơn nói “không trả lời”. Nhiều câu hỏi khó tiếp tục được nguyên đơn đặt ra khiến bị đơn phải to tiếng: “Tôi đề nghị không hỏi chuyện cá nhân, vụ kiện này giành quyền nuôi mẹ, những câu hỏi phải liên quan vụ việc”.

Những câu hỏi nguyên đơn đưa ra nhằm để chứng minh với tòa là bị đơn bất hiếu, không có đạo đức. Trong đó có những câu hỏi của nguyên đơn về người cha đã mất với lý do: “Chúng tôi đòi quyền nuôi mẹ xuất phát từ việc bị đơn đối xử không tốt với cha, xin cho tôi được nói…”. Lập tức những cái liếc mắt, trề môi được phía bị đơn hướng về phía nguyên đơn.

Nguyên đơn liên tục khẳng định họ mới là người chăm sóc cha mẹ lâu nay, phía bị đơn bất hiếu. Đến phần bị đơn đặt câu hỏi cũng xoay quanh việc chứng minh mình có hiếu và nguyên đơn mới bất hiếu.

Bị đơn hỏi nguyên đơn (anh trai mình): “Từ năm 2017 cha gãy chân nằm tại nhà, ông có chăm sóc ngày nào không?”. Nguyên đơn trả lời: “Con mày dọa đánh nên tao không về chăm cha được”. Bị đơn tiếp tục hỏi vặn: “Cha mất ông có xây mồ mả cho cha không?”.

Cao trào đẩy lên từ câu hỏi này, phía nguyên đơn cho biết toàn bộ tiền phúng điếu bị đơn giữ, nguyên đơn không biết bất cứ việc gì. Nhà thờ của cha mẹ giờ cũng đứng tên bị đơn và: “Thậm chí lúc cha tôi mất, nó còn tranh cầm di ảnh, đưa tôi cầm bài vị thì nói gì việc cho tôi chăm cha”. Bị đơn lập tức nói: “Vậy là ông ngu, con trai cả phải cầm bài vị”.

Bảy anh em ruột nhưng tại phiên tòa không còn chỗ cho máu mủ, họ gọi nhau bằng ông tôi, mày tao. Họ chia đôi “chiến tuyến”, “tham chiến” bằng sự đối địch. Từ tranh luận chuyển sang công kích nhau lúc nào không hay.

Bà Trần Thị Thanh Bình, thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phải liên tục nhắc hai bên tranh tụng tôn trọng nhau, không sử dụng lời lẽ thóa mạ và công kích đạo đức của nhau. Nếu có hiềm khích cá nhân thì nói với nhau ở một nơi khác.

Những nỗi niềm…
Phiên tòa trần trụi, những góc khuất trong cuộc sống được hai phía lột sạch. Bên nào cũng cho rằng đối phương bịa đặt, vu khống mình, đề nghị đưa ra bằng chứng. Vài người họ hàng ngồi nghe đã lắc đầu, đứng dậy đi ra ngoài. Chẳng ai hiểu vì sao gia đình hòa thuận, bảy người con cùng nhau thương yêu cha mẹ giờ lại ra chốn “công đường” để tranh quyền nuôi mẹ.

Đã có tiếng khóc phát ra từ phía nguyên đơn bởi trong đơn khởi kiện, họ cho rằng đã năm tháng không được gặp mẹ, mỗi lần về thăm thì bị đơn ngăn cản. Thậm chí còn bị đuổi đánh khiến nguyên đơn gãy tay và trầy vùng mặt, công an xã đã lập biên bản một số hành vi khác của bị đơn…

Nguyên đơn chuẩn bị 42 video đề nghị chiếu trước tòa để chứng minh bị đơn không xứng đáng nuôi mẹ; bị đơn không cho vô nhà thắp hương cho cha, họ phải gửi cha lên chùa thờ…

Dằng dặc nỗi niềm, hai vị hội thẩm nhân dân và vị đại diện viên kiểm sát từ đầu đến cuối phiên xử không nói một lời nào, ánh mắt họ đượm buồn với vụ án hy hữu này.

Trước khi tòa nghị án, nguyên đơn cho rằng: “Phía bị đơn có một người chửi bới cha mẹ và nhân thân không tốt. Một người từng từ mặt cha. Người còn lại trước nay chưa lo cho cha mẹ cả về vật chất lẫn tinh thần… tư cách đạo đức họ không xứng đáng nuôi dưỡng mẹ”.

Còn bị đơn nói: “Phía nguyên đơn có hai người ở TP.HCM, một người ở quê thì không có nhà cửa, người còn lại nhà cửa tạm bợ, làm thuê không thể nuôi mẹ già. Lâu nay mẹ ở với tôi rất tốt và tôi đang thực hiện cam kết bằng văn bản nuôi mẹ đến chết”.

Trong phần nhận định và tuyên án, hội đồng xét xử viện dẫn các điều khoản trong Luật Hôn nhân gia đình và Luật Người cao tuổi. Các con có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ già như nhau.

Nhất là người mẹ đã 86 tuổi, tâm trí lúc nhớ lúc quên. Vì vậy, bị đơn ngăn cản việc thăm nom, phụng dưỡng mẹ của nguyên đơn là không đúng pháp luật, phải chấm dứt ngay hành vi này.

Về phần giành quyền trực tiếp nuôi mẹ, tòa xét thấy cả bảy người con chưa ai bị xử phạt hành vi ngược đãi cha mẹ, quyền nuôi dưỡng như nhau. Căn cứ các điều luật, TAND huyện Nghĩa Hành tuyên mỗi bên được trực tiếp nuôi dưỡng mẹ sáu tháng.

Bắt đầu từ ngày 1-10, nguyên đơn sẽ nuôi mẹ. Khi hết sáu tháng, quyền nuôi mẹ được chuyển lại cho bị đơn. Việc này sẽ được lặp đi lặp lại cho đến khi người mẹ mất hoặc hai bên ngồi lại cùng nhau tìm được tiếng nói chung.

Phiên tòa kết thúc, nếu đôi bên không có kháng án, bản án sẽ có hiệu lực pháp luật. Việc thi hành án đồng nghĩa với mẹ già phải di chuyển đến những nơi ở khác nhau. Điều ấy đủ để tất cả đau lòng…

Rất dễ phát sinh mâu thuẫn trong thi hành án
Luật sư Trần Hậu (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết đây là vụ án quá hy hữu, bởi rất dễ phát sinh tình huống xấu lúc thi hành án.”Chỉ cần một bên muốn giữ mẹ lâu hơn để chăm sóc, không tự nguyện thi hành án lập tức vấn đề thi hành án sẽ rất phức tạp, không dễ dự liệu”, luật sư Hậu nói.

“Vậy cuối cùng vụ kiện tranh quyền nuôi mẹ này để làm gì. Tại sao những người con không cùng nhau nuôi dưỡng mẹ. Cuối cùng người đau lòng nhất vẫn là mẹ. Các con nên vì mẹ mà ngồi lại với nhau bằng trái tim ấm áp, yêu thương, giữ lại giá trị gia đình. Có như vậy mẹ mới hạnh phúc tuổi già được. Nếu xử lý bằng pháp luật cứng nhắc, khó tránh khỏi những tình huống đau lòng”, luật sư Hậu nói.