Bỏ trả bài đầu giờ chưa đủ, phải giảm áp lực bài tập về nhà, đó là cải cách giáo dục

Bỏ trả bài đầu giờ chưa đủ, phải giảm áp lực bài tập về nhà, đó là cải cách giáo dục

Không gọi học sinh lên kiểm tra bài đầu giờ là ý kiến hay cần áp dụng, nhưng còn một điều nữa cần làm ngay, đó là giảm tối đa bài tập về nhà cho học sinh.

Cải cách giáo dục bằng việc bỏ kiểm tra bài cũ và giảm áp lực bài tập về nhà. Ảnh: Trang Hà

Bỏ đi cách học khai thác trí nhớ, thay vào đó là khơi dậy tư duy sáng tạo, đó mới là cải cách giáo dục. Ở thời buổi click con chuột là hàng hoạt thông tin cần tìm xuất hiện thì hãy để nơ ron thần kinh vào việc tìm ra cái mới.

Muốn làm được điều đó thì ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh phải được giáo dục, rèn luyện suy nghĩ độc lập, thực hành sáng tạo, thay vì học vẹt, bắt chước, nhớ cho tốt rồi nói lại cho đúng và được cho đó là giỏi.

Cách học như vậy là bắt chước giỏi, nói vẹt giỏi, không phải là tư chất thông minh vốn cần cho việc tìm tòi, phát minh. Đừng khuyến khích con em chúng ta đi theo lối học ghi nhớ, sau này giỏi lắm cũng trở thành những giáo sư chỉ chuyên “tầm chương trích cú”.

Thay vì gọi học sinh lên bảng kiểm tra bài cũ thì hãy hướng đến những cách học và gợi cảm hứng khác như thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Từ khi còn là học sinh, biết cách xây dựng đề cương một bài thuyết trình và trình bày ý tưởng, quan điểm của mình một cách mạch lạc, đó là cách dạy vừa giúp học sinh không chỉ tích lũy mà còn tìm tòi kiến thức bằng thái độ chủ động.

Cho nên, bỏ việc kiểm tra bài cũ là quá đúng, nhưng còn việc tiếp theo cần làm nữa, đó là bỏ bớt bài tập về nhà. Giảm tải cho học sinh phải bắt đầu bằng những việc cụ thể như vậy.

Đa số học sinh phải học hai buổi, học thêm, rồi ôm một đống bài tập ở nhà phải làm cho xong mỗi ngày, đó là phi khoa học, phản giáo dục.

Tất cả bài mới, bài tập phải được giải quyết xong trong tiết học ở lớp, học sinh về nhà là nghỉ ngơi, vui chơi, không phải vùi đầu vào làm bài tập cho đến khuya khoắt, không còn năng lượng để đến lớp hôm sau. Học như vậy là cực hình, giỏi đâu không thấy, mà chỉ như cây caosu bị vắt kiệt mủ khi còn là cây non.

Có những môn học không cần phải ra bài tập ở nhà, môn cần thì cũng hạn chế, càng ít càng tốt, để học sinh có thể giải quyết bài tập nhưng không bị áp lực đến mức “trầm cảm”, sợ học.

Giảm tải cho học sinh cũng là giảm áp lực cho giáo viên, đó chính là cải cách giáo dục.