‘Doanh nghiệp rối loạn vì hơn nửa công nhân nghỉ chờ rút bảo hiểm’

‘Doanh nghiệp rối loạn vì hơn nửa công nhân nghỉ chờ rút bảo hiểm’

Hơn nửa trong tổng số 5.000 lao động của doanh nghiệp nghỉ việc, chờ rút bảo hiểm một lần khiến sản xuất rối loạn, theo Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Long An.

Ý kiến được bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Long An, nói tại hội thảo góp ý sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội diễn ra tại TP HCM, ngày 14/4.

Theo bà Trang, quy định cho phép nhận trợ cấp một lần gây nhiều khó khăn cho thị trường lao động, doanh nghiệp bức xúc. Công nhân đi làm lúc 18-20 tuổi, khi đến 30-35 tuổi chủ động nghỉ việc. Họ không chịu đi làm hoặc chỉ xin làm thời vụ để không đóng bảo hiểm, nhận trợ cấp thất nghiệp chờ đủ 12 tháng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp Long An, tại hội thảo. Ảnh: Lê Tuyết

“Có những nhà máy hơn một nửa lao động nộp đơn, khiến sản xuất rối loạn. Doanh nghiệp bất lực, bức xúc bởi không biết làm sao”, bà Trang nói. Đối với người lao động, sau khi rút bảo hiểm quay lại nhà máy, lương cơ bản quay về mức khởi điểm chưa đến 5 triệu đồng mỗi tháng.

Tương tự, ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn (Liên đoàn lao động Đồng Nai), nói năm ngoái khi nghe thông tin sẽ giảm mức hưởng BHXH một lần, công nhân nhiều doanh nghiệp đồng loạt nộp đơn nghỉ việc, bất chấp công việc ổn định.

“Họ sợ luật thực thi không rút được nên lo nhận trước”, ông Hà nói. Có công ty sản xuất giày da mấy chục nghìn công nhân, gần một nửa nộp đơn. Doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, đề nghị cán bộ công đoàn tư vấn cho lao động hiểu.

Theo ông Hà, chỉ riêng doanh nghiệp này Trung tâm tư vấn pháp luật đã tổ chức hơn 20 buổi nói chuyện. Nhân viên trung tâm lý giải nếu không rút bảo hiểm, về già không còn sức làm việc, người lao động sẽ có lương hưu và bảo hiểm y tế, đảm bảo cuộc sống.

Tiếp nữa, với lao động lâu năm, lương cơ bản gần 10 triệu đồng mỗi tháng, sau khi rút bảo hiểm, quay lại nhà máy, lương giảm một nửa, làm cả chục năm nữa lương mới quay về mức cũ. Cuộc sống gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, số tiền rút bảo hiểm một lần chắc chắn thấp hơn lương hưu.

“Sau khi tư vấn xong, phần lớn người lao động rút lại đơn, quyết định không nghỉ việc”, ông Hà nói. Điều đó có nghĩa phần lớn công nhân chưa hiểu hết chính sách và bị tác động bởi tâm lý đám đông.

Người dân chờ rút bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội huyện Hóc Môn, TP HCM, ngày 11/4. Ảnh: Đình Văn

Luật sư Vũ Ngọc Hà cho rằng sự ổn định, tính nhất quán của chính sách rất quan trọng để đảm bảo lòng tin, sự gắn bó của người lao động với hệ thống BHXH. Khi luật còn cho phép nhận trợ cấp một lần, mọi sự thay đổi đều đẩy người lao động gần hơn đến lựa chọn này.

Bà Bùi Thị Ngọc Trang cho rằng cần nghiên cứu để chấm dứt quy định cho phép rút BHXH một lần, trừ những trường hợp đặc biệt. Việc này không chỉ đảm bảo cho người lao động về già có lương hưu mà còn ổn định thị trường lao động.

Tại buổi góp ý, ông Trần Hải Nam, Vụ phó Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nói ở lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội này, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động lựa chọn bảo lưu thời gian đóng, tiếp tục tham gia để hưởng lương hưu hàng tháng.

Các đề xuất gồm quy định điều kiện dễ dàng hơn trong hưởng lương hưu, từ 20 năm xuống còn 15 năm; quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng; hưởng bảo hiểm y tế, kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Đồng thời, dự thảo luật đề xuất hai phương án về hưởng BHXH một lần để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được lấy ý kiến đến hết tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.