Ôm hơn 200 triệu tiền vé Black Pink, người đàn ông ngậm ngùi cắt lỗ

Ôm hơn 200 triệu tiền vé Black Pink, người đàn ông ngậm ngùi cắt lỗ

Để mua được số lượng vé lớn, tôi đã thuê 15 máy tính trong tiệm net, chi khoảng 390 triệu đồng.

Tôi là N.H. (Hà Nội), không phải fan (người hâm mộ) của nhóm nhạc Blackpink. Nhưng tôi có kinh nghiệm ôm vé bóng đá và các show (buổi diễn) khác.

Khi bất ngờ nhận được tin nhóm nhạc nữ Hàn Quốc nổi tiếng về Việt Nam, tôi lên kế hoạch săn vé. Công tác chuẩn bị mất 2 tuần. Đầu tiên, tôi gọi một số người bạn về lĩnh vực thông tin để biết cách vào mua vé nhanh nhất.

Tiếp theo là chuẩn bị vốn. Vốn của tôi có sẵn, không phải vay mượn. Bởi tôi có công việc ổn định riêng và tích lũy được từ những lần săn vé trước đó.

Đội ngũ của tôi gồm 15 người, trực ở 15 máy tính khác nhau trong tiệm net. Họ nạp tiền vào các tài khoản để mua vé. Mỗi tài khoản chỉ được mua tối đa 4 vé. Tôi và 2 người khác đi quanh các máy để đảm bảo không ai bị chập mạng hay lỗi thông tin.

Hôm 7/7, việc mua vé diễn ra suôn sẻ. Tôi chỉ dự định mua 45 vé nhưng con số săn được là 47 vé. Chưa kịp vui mừng, tôi đã có linh cảm không hay ngay trong ngày mở bán vé.

Ngậm ngùi cắt lỗ
Tôi không săn những hạng vé rẻ hơn để bán. Bởi nhu cầu khách của tôi khá cao. Họ muốn ngồi ở những hạng tầm trung trở lên. Khi mua những dòng cao cấp, tôi nghĩ việc bán ra sẽ giúp mình có lời nhiều hơn so với hạng phổ thông.

Khi concert (buổi biểu diễn) chưa diễn ra, các thông tin tiêu cực, nhạy cảm đã tràn lan trên mạng xã hội. Hơn nữa, thông tin Blackpink chỉ diễn 13 bài hát khiến fan càng hoang mang. Lý do khác khiến khán giả khó ủng hộ là giá vé quá cao.

Trước khi mở bán, tôi nhận mua hộ 15 vé với tiền công dao động 1,5-2 triệu đồng/vé. Khách chuyển cọc không suy nghĩ nhiều. Ngoài những vé mua hộ, tôi săn thừa để bán lại. Khi đó, tôi kỳ vọng mỗi vé bán ra phải lãi được 2 triệu đồng. Cuối cùng, tôi đang phải cắt lỗ.

Thị trường bán lại vé xuống giá bởi những người có tâm lý yếu. Mỗi bạn chỉ tính mua 2 hoặc 4 vé là cùng. Họ lời vài trăm nghìn đồng cho mỗi vé. Đây là tâm lý chung của những bạn trẻ mua ít vé, muốn kiếm ít lãi.

Do đó, dưới một bài đăng liên quan đến concert, có đến 30-40 người mời chào vé cùng lúc. Tình trạng này tạo nên tâm lý hoảng loạn chung trong đêm 7/7.

Tôi đành bán cắt lỗ vì ai cũng xuống giá. Tôi dùng tiền lãi khách đặt cọc trước để bù vào vé cắt lỗ.

Số tiền bỏ ra cộng với tiền cọc của khách, đội ngũ và phòng máy là 390 triệu đồng. Hiện tại, tôi vẫn còn 12 vé, bị lỗ hơn 60 triệu đồng.

Chiến đấu với hội lừa đảo
Ban tổ chức bán vé dưới dạng xuất mã QR. Do đó, một người có thể bán cùng mã cho nhiều khách hàng khác nhau. Hội scam (lừa đảo) lợi dụng kẽ hở này để kiếm tiền.

Những kẻ lừa đảo là rào cản lớn đối với hội bán lại vé như tôi. Ví dụ, hạng vé CAT 1 có giá 6,8 triệu đồng được tôi bán với giá cắt lỗ là 6 triệu đồng. Trong khi đó, kẻ lừa đảo lại rao bán 4-5 triệu đồng. Điều này đánh vào tâm lý của người cần mua. Khách hàng muốn mua rẻ nên không chần chừ chuyển cọc.

Tôi đã tính trước trường hợp lừa đảo. Tôi chuẩn bị các sim rác dùng một lần và lập từng tài khoản Gmail riêng để mua vé. Khi mua vé của tôi, khách được cầm Gmail và sim chính chủ luôn.

Họ sẽ không thể nghi ngờ việc tôi bán cho bên thứ 3. Đây là yếu tố khác biệt hoàn toàn giữa tôi và những người bán lại vé khác.

Tiếp theo, tôi dùng quan hệ người thân, bạn bè để “đẩy” vé. Việc giải thích cho người mua về sim rác rất khó. Bởi không phải ai cũng hiểu và đặt niềm tin.

Do đó, nhờ người quen kết nối vẫn là chiến lược chủ yếu. Tôi cũng tích cực trực ở các hội bán vé để biết thông tin 24/7.

Tôi cũng có bán qua các kênh chợ đen của nước ngoài. Vào 13h ngày 7/7, tôi đăng lên trang và may mắn có khách mua 1 vé V.I.P, lãi về được 10 triệu đồng. Sau khi đăng các vé khác, tôi không bán được thêm.

Hai bạn hàng xóm đã giúp đỡ tôi trong việc bán vé. Một bạn chuyên bán ra nước ngoài, người còn lại chuyên marketing nên bán được vé nhanh.

Tôi cũng có chia sẻ web đó lên các hội nhóm. Hôm sau, tôi thấy nhiều người đăng bài bán trên chợ đen nước ngoài với giá cực thấp.

Mùa hè bão tố
Hiện tại, người mua có tình trạng “ép giá” vì họ biết ngày diễn cận kề. Có kinh nghiệm ôm vé trong nhiều năm qua, tôi chưa bao giờ thấy sự kiện nào đầy rẫy drama (kịch) như lần này.

Tôi nghĩ thị trường vé sẽ ổn hơn vì ban tổ chức có sự kiện nhận vòng tay, tránh được lừa đảo. Lúc đó, mọi người có tâm lý muốn mua hơn.

Tôi hối hận khi ôm vé vì mất nhiều thời gian, công sức. Mùa hè năm nay, tôi không thể đi du lịch. Tôi đã cọc tiền phòng với bạn bè để đi Hạ Long (Quảng Ninh) 3 ngày 2 đêm.

Tôi đành bỏ ngang vì lo không kiểm tra được vé, phải cập nhật thông tin liên tục. Tôi sẵn sàng ở nhà để bán.

Tôi thấy khá mệt mỏi vì có đến 50 người bán bên dưới các bài đăng. Trong khi đó, người mua chỉ có một. Một số người mua chốt xong lại “quay xe” chỉ sau vài phút.

Nếu không bán được vé, tôi sẽ cùng bạn bè, người thân đi xem ca nhạc.